Như chúng ta đã biết, Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu là hai thành phần quan trọng của bảng cân đối kế toán. Trong các bài học trước, chúng ta đã tìm hiểu chi tiết các khoản mục tài sản dài hạn và tài sản ngắn hạn. Bạn đọc có thể tham khảo lại các bài học theo các link sau:
https://dautuxuhuong.com/news/cach-doc-bang-can-doi-ke-toan-tai-san-ngan-han-la-gi.html
https://dautuxuhuong.com/news/cach-doc-bang-can-doi-ke-toan-tai-san-dai-han-la-gi.html
Trong chuỗi các bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ đi tìm hiểu thêm các chỉ tiêu về nguồn vốn của doanh nghiệp.
Nguồn vốn của doanh nghiệp bao gồm 02 nguồn: Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu. Nghiên cứu về vốn chủ sở hữu sở hữu mời bạn tham khảo TẠI ĐÂY. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ đi giải thích các chỉ tiêu trong phần nợ phải trả
I. Các chỉ tiêu nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán
Nợ phải trả Là chỉ tiêu phản ánh toàn bộ số nợ mà doanh nghiệp phải trả tại thời điểm báo cáo, bao gồm: Nợ ngắn hạn và nợ dài hạn như hình 1:
Hình 1: Các chỉ tiêu nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán (ví dụ cổ phiếu PNJ-nguon dautuxuhuong.com)
1. Nợ ngắn hạn:
Đây là chỉ tiêu thể hiện các khoản nợ ngắ hạn mà doanh nghiệp còn phải trả. Tính đến thời điểm lập báo cáo, các khoản nợ này có thời hạn thanh toán không quá 12 tháng hoặc dưới một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường. Ví dụ về các khoản nợ này như: Các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, phải trả người bán, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, phải trả người lao động, chi phí phải trả, phải trả nội bộ, doanh thu chưa thực hiện, dự phòng phải trả…, Chi tiết các khoản này như sau:
1.1. Phải trả người bán ngắn hạn: Thể hiện số tiền nợ ngắn hạn mà doanh nghiệp còn phải trả cho người bán hàng, nhà cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ cho doanh nghiệp.
1.2. Người mua trả tiền trước ngắn hạn: Thể hiện số tền mà khách hàng đã ứng trước cho cho doanh nghiệp để mua hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định...Tính đến thời điểm lập báo cáo, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ cung cấp hàng hóa, dịch vụ này cho khách hàng trong thời gian không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường
1.3. Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước: Số nợ ngắn hạn này chính các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác.... Mà doanh nghiệp phải có nghĩa vụ nộp cho nhà nước.
1.4. Phải trả người lao động: Đây là số nợ nắn hạn mà doanh nghiệp phải thanh toán cho người lao động
1.5. Chi phí phải trả ngắn hạn: Đây là các khoản phải trả cho hàng hóa, dịch vụ đã nhận được từ người bán trong kỳ báo cáo nhưng thực tế chưa chi trả do chưa có hóa đơn hoặc chưa đủ hồ sơ, tài liệu kế toán, được ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh của kỳ báo cáo.
Chi phí phải trả ngắn hạn còn phản ánh cả các khoản phải trả cho người lao động trong kỳ như phải trả về tiền lương nghỉ phép và các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh của kỳ báo cáo phải trích trước như:
- Trích trước chi phí lãi tiền vay phải trả trong trường hợp vay trả lãi sau, lãi trái phiếu trả sau (khi trái phiếu đáo hạn).
- Trích trước chi phí để tạm tính giá vốn hàng hóa, thành phẩm bất động sản đã bán....
1.6. Phải trả nội bộ ngắn hạn: Phản ánh các khoản phải trả nội bộ giữa đơn vị cấp trên và đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc và giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong một doanh nghiệp. Tại thời điểm lập báo cáo, các khoản này có kỳ hạn thanh toán còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo (ngoài phải trả về vốn kinh doanh)
1.7. Phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng: Phản ánh số chênh lệch giữa tổng số tiền luỹ kế khách hàng phải thanh toán theo tiến độ kế hoạch lớn hơn tổng số doanh thu đã ghi nhận luỹ kế tương ứng với phần công việc đã hoàn thành đến cuối kỳ báo cáo của các hợp đồng xây dựng dở dang.
1.8. Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn: Phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện tương ứng với phần nghĩa vụ mà doanh nghiệp sẽ phải thực hiện trong vòng 12 tháng tiếp theo hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo. Doanh thu chưa thực hiện của một doanh nghiệp được hiểu là khoản tiền mà doanh nghiệp đã nhận trước từ người mua nhưng liên quan đến nhiều kỳ kế toán; đồng thời doanh nghiệp đã giao hàng hóa cho người mua sử dụng.
1.9. Phải trả ngắn hạn khác: Phản ánh các khoản phải trả khác ngoài các khoản nợ phải trả đã được phản ánh trong các chỉ tiêu khác. Tính đến thời điểm báo cáo, các khoản này có kỳ hạn thanh toán còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường. Ví dụ như: Giá trị tài sản phát hiện thừa chưa rõ nguyên nhân, phải nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, các khoản nhận ký cược, ký quỹ ngắn hạn…
1.10. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn: Phản ánh tổng giá trị các khoản nợ mà doanh nghiệp đi vay các ngân hàng, các tổ chức, công ty tài chính và các đối tượng khác. Tính đến thời điểm báo cáo, các khoản nợ này có kỳ hạn thanh toán còn lại không quá 12 tháng.
1.11. Dự phòng phải trả ngắn hạn: Phản ánh khoản dự phòng cho các khoản như dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng, dự phòng tái cơ cấu, các khoản chi phí trích trước để sửa chữa TSCĐ định kỳ, chi phí hoàn nguyên môi trường trích trước… Các khoản dự phòng phải trả thường được ước tính, chưa chắc chắn về thời gian phải trả, giá trị phải trả và doanh nghiệp chưa nhận được hàng hóa, dịch vụ từ nhà cung cấp. Tính tại thời điểm lập báo cáo, các khoản dự phòng dự kiến phải trả không quá 12 tháng hoặc trong chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tiếp theo.
1.12. Quỹ khen thưởng, phúc lợi: Phản ánh Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ thưởng ban quản lý điều hành chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo.
1.13. Quỹ bình ổn giá: Phản ánh giá trị Quỹ bình ổn giá hiện có tại thời điểm báo cáo.
1.14. Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ: Phản ánh giá trị trái phiếu Chính phủ của bên bán khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại tại thời điểm báo cáo.
2. Nợ dài hạn
Đây Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các khoản nợ dài hạn của doanh nghiệp ví dụ như: Khoản phải trả người bán, phải trả nội bộ, các khoản phải trả dài hạn khác, vay và nợ thuê tài chính dài hạn… Tại thời điểm báo cáo, có thời hạn thanh toán còn lại từ 12 tháng trở lên hoặc trên một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường. Chi tiết các khoản nợ này như sau:
2.1. Phải trả người bán dài hạn: Phản ánh số tiền còn phải trả cho người bán; Tại thời điểm báo cáo, số tiền này có thời hạn thanh toán còn lại trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường.
2.2. Người mua trả tiền trước dài hạn: Chỉ tiêu này thể hiện số tiền người mua ứng trước để mua sản phầm, hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định, bất động sản đầu tư của doanh nghiệp. Và tại thời điểm báo cáo, doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường.
2.3. Chi phí phải trả dài hạn: Chỉ tiêu này thể hiện giá trị các khoản nợ mà doanh nghiệp còn phải trả trong các trường hợp như:
- Doanh nghiệp đã nhận hàng hóa, dịch vụ nhưng chưa có hóa đơn;
- hoặc các khoản chi phí của kỳ báo cáo chưa có đủ hồ sơ, tài liệu nhưng chắc chắn sẽ phát sinh cần phải được tính trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh.
Lưu ý Các chi phí này chỉ phải thanh toán sau 12 tháng hoặc sau chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tiếp theo.
2.4 Phải trả nội bộ về vốn kinh doanh:
Tùy thuộc vào đặc điểm hoạt động và mô hình quản lý của từng đơn vị, doanh nghiệp thực hiện phân cấp và quy định cho đơn vị hạch toán phụ thuộc ghi nhận khoản vốn do doanh nghiệp cấp trên góp vào chỉ tiêu này hoặc chỉ tiêu “Vốn góp của chủ sở hữu”
Chỉ tiêu Phải trả nội bộ về vốn kinh doanh chỉ ghi ở Bảng cân đối kế toán đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc, phản ánh các khoản đơn vị cấp dưới phải trả cho đơn vị cấp trên về vốn kinh doanh.
Khi đơn vị cấp trên lập Bảng cân đối kế toán tổng hợp toàn doanh nghiệp, chỉ tiêu này được bù trừ với chỉ tiêu “Vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc” trên Bảng cân đối kế toán của đơn vị cấp trên.
2.5. Phải trả nội bộ dài hạn: Chỉ tiêu này phản ánh các khoản phải trả nội bộ có kỳ hạn thanh toán còn lại trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo (ngoài phải trả về vốn kinh doanh) giữa đơn vị cấp trên và đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc và giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong một doanh nghiệp.
Khi đơn vị cấp trên lập Báo cáo tài chính tổng hợp với các đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc, chỉ tiêu này được bù trừ với chỉ tiêu “Phải thu nội bộ dài hạn” trên Bảng cân đối kế toán của các đơn vị hạch toán phụ thuộc.
2.6. Doanh thu chưa thực hiện dài hạn: Tại thời điểm báo cáo, chỉ tiêu này phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện tương ứng với phần nghĩa vụ mà doanh nghiệp sẽ phải thực hiện sau 12 tháng hoặc sau một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tiếp theo
2.7. Phải trả dài hạn khác: Ngoài các khoản nợ phải trả đã được phản ánh trong các chỉ tiêu khác, thì daonh nghiệp còn có các khoản nợ dài hạn khác ví dụ như: Các khoản nhận ký cược, ký quỹ dài hạn, cho mượn dài hạn, khoản chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp theo cam kết với giá bán trả ngay dài hạn. Khi đó các khoản này sẽ được phản ánh vào chỉ tiêu Phải trả dài hạn khác
2.8. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn: Chỉ tiêu này thể hiện các khoản nợ mà doanh nghiệp vay của các ngân hàng, các tổ chức, công ty tài chính và các đối tượng khác. Tại thời điểm báo cáo, các khoản vay này có kỳ hạn thanh toán còn lại trên 12. Ví dụ về các khoản vay này như: Số tiền Vay ngân hàng, khoản phải trả về tài sản cố định thuê tài chính, tiền thu phát hành trái phiếu thường..
2.9. Trái phiếu chuyển đổi: Chỉ tiêu này phản ánh giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi do doanh nghiệp phát hành tại thời điểm báo cáo.
2.10. Cổ phiếu ưu đãi: Chỉ tiêu này phản ánh giá trị cổ phiếu ưu đãi theo mệnh giá mà bắt buộc doanh nghiệp phát hành phải mua lại tại một thời điểm đã được xác định trong tương lai.
2.11. Thuế thu nhập hoãn lại phải trả: Chỉ tiêu này phản ánh số thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phải trả tại thời điểm báo cáo.
Nếu các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế và chênh lệch tạm thời được khấu trừ liên quan đến cùng một đối tượng nộp thuế và được quyết toán với cùng một cơ quan thuế thì thuế thu nhập hoãn lại phải trả được bù trừ với tài sản thuế hoãn lại. Trường hợp này chỉ tiêu “Thuế thu nhập hoãn lại phải trả” phản ánh số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả lớn hơn tài sản thuế hoãn lại.
2.12. Dự phòng phải trả dài hạn: Chỉ tiêu này phản ánh các khoản dự phòng ví dụ như: dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng, dự phòng tái cơ cấu, các khoản chi phí trích trước để sửa chữa TSCĐ định kỳ, chi phí hoàn nguyên môi trường trích trước… Các khoản dự phòng phải trả thường được ước tính, chưa chắc chắn về thời gian phải trả, giá trị phải trả và doanh nghiệp chưa nhận được hàng hóa, dịch vụ từ nhà cung cấp. Tại thời điểm báo cáo, các khoản này dự kiến phải trả sau 12 tháng hoặc sau chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tiếp theo.
2.13. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ : Chỉ tiêu này phản ánh số Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo.
II. Cách sử dụng website dautuxuhuong.com để phân tích chỉ tiêu nợ trên bảng cân đối.
Nhà đầu tư có thể sử dụng website của chúng tôi để phân tích các chỉ tiêu nợ trên bảng cân đối kế toán của một doanh nghiệp.
Để tìm hiểu trực tiếp nhà đầu tư có thể làm theo thứ tự như hình 2, bao gồm các bước:
Bước 1: Gõ mã cổ phiếu trên ô tìm kiếm
Bước 2: Truy cập bảng cân đối kế toán
Bước 3: Click vào dấu (+) để xem chỉ tiêu nợ của doanh nghiệp.
Hình 2: Các bước xem chỉ tiêu nợ phải trả trong nguồn vốn
Ngoài ra, để thuận tiện cho quá trình phân tích, chúng tôi đã tiến hành thiết lập các chỉ số so sánh ví dụ như so sánh nợ/nguồn vốn; nợ/ vốn chủ,...Điều này là rất cần thiết để đánh giá cơ cấu vốn của doanh nghiệp.
Để xem các chỉ số, nhà đầu tư chỉ cần truy cập vào Tab Phân tích chỉ số sau đó chọn xem các hạng mục của nguồn vốn như hình bên dưới:
Hình 3. Phân tích chỉ số nợ phải trả của CTD
Hình bên trên là ví dụ phân tích chỉ số của cổ phiếu CTD. Như chúng ta thấy, cơ cấu nguồn vốn của CTD khá an toàn. Doanh nghiệp này gần như không vay nợ tài chính. Khoản nợ chủ yếu của doanh nghiệp là các loại nợ chiếm dụng của khách hàng và đối tác như: Khoản người mua trả tiền trước, chi phí phải trả... Đây là điều dễ hiểu, vì CTD là doanh nghiệp đầu ngành xây dựng và có lợi thế cạnh tranh bền vững hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Mặc dù cơ cấu nguồn vốn của CTD có thể là an toàn, nhưng chư chắc CTD đã phải là một cổ phiếu tăng trưởng tốt. Để tìm hiểu và lựa chọn các cổ phiếu tốt, tăng trưởng bền vững, mời các bạn theo dõi và đăng ký các khóa học, hội thảo chuyên sâu của chúng tôi.
Trên đây, chúng tôi đã đi giải thích các hạng mục nợ phải trả của doanh nghiệp. Phần tiếp theo, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn các hạng mục trên vốn chủ sở hữu. Kính mời độc giả đón đọc.
Để nhận được các khuyến nghị cổ phiếu chuyên sâu, xác định điểm mua/bán, giá mục tiêu và giá cutlost Quý nhà đầu tư vui lòng liên hệ với các chuyên gia của Đầu Tư Xu Hướng theo một trong các cách sau:
- KÊNH ĐĂNG KÝ MỞ TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN VÀ TƯ VẤN: TẠI ĐÂY
- Livechat ở bên góc phải màn hình.
- Hotline: 0986.307.486 hoặc 0985.879.385
- Skype: dautuxuhuong
- Email: [email protected]
- Fanpage: www.fb.com/dautuxuhuong/