Bài 4. Cách đọc báo cáo tài chính: Chọn doanh nghiệp tốt qua báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Trong bài học số 3, chúng tôi đã hướng dẫn các bạn cách đọc báo cáo tài chính và phân biệt doanh nghiệp tốt xấu qua báo cáo tài chính. Trong bài học số 4, chúng tôi tiếp tục chia sẻ với các bạn, kinh nghiệm đọc báo cáo tài chính và trọng tâm vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Qua đó, giúp nhà đầu tư có thể  tìm được doanh nghiệp tốt,có động lực tăng trưởng

 I. Giới thiệu bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (HĐKD) là một trong các báo cáo quan trọng trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Báo cáo này, trình bày chi tiết về doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp trong một kỳ như một quý hoặc một năm.

Có thể hiểu "nôm na" một số khái niệm cơ bản sau:

- Doanh thu là số tiền bạn thu được khi bán sản phẩm dịch vụ của công ty bạn. 

- Chi phí là số tiền bạn đã bỏ ra để tạo ra được doanh thu trong kỳ đó.

- Lợi nhuận được tính bằng doanh thu trừ đi chi phí.

Sẽ có nhiều loại doanh thu, chi phí và lợi nhuận. Chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ hơn ở phần sau.

Các bạn có thể tìm thấy báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh ở nhiều nguồn khác nhau. Trong bài học này, chúng tôi gới thiệu báo cáo này do dautuxuhuong.com thiết lập. Đây là một trong các báo cáo được chúng tôi thiết lập khá khoa học và dễ theo dõi.

Ví dụ về báo cáo Kết quả HĐKD của VNM:

Báo cáo KQHĐkD VNM

Hình 1. Mẫu báo cáo tài chính (nguồn Tại đây)

Tuy nhiên, để giúp nhà đầu tư nhất là các khách hàng của dautuxuhuong.com có thể dễ dàng so sánh mức tăng trưởng doanh thu, Chi phí và lợi nhuận, chúng tôi đã thiết kế thêm công cụ phân tích chỉ số. Các bạn có thể tham khảo Tại đây ( Nếu truy cập không được, vui lòng liên hệ để lấy tài khoản và mật khẩu).

Phân tích chỉ số VNM

Hình 2. Phân tích chỉ số (nguồn Tại đây)

Có nhiều chỉ tiêu để đánh giá một doanh nghiệp, Nhưng đối với nhà đầu tư mới, chúng tôi sẽ trình bày những chỉ tiêu cơ bản và quan trọng nhất giúp nhà đầu tư nhanh chóng lựa chọn được doanh nghiệp tốt.

II. Một số chỉ tiêu Lựa chọn doanh nghiệp tốt qua báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

1. Doanh thu thuần phải tăng trưởng mạnh

Doanh thu thuần chính là doanh thu có được do bán các sản phẩm và dịch vụ chính của doanh nghiệp. Nếu doanh thu xuất phát từ các hoạt động tài chính, thanh lý tài sản thì đó không phải là doanh thu thuần, những doanh thu này có thể là doanh thu từ hoạt động tài chính, doanh thu từ thanh lý tài sản...

Trong các nghiên cứu của chúng tôi, các doanh nghiệp xuất sắc luôn có mức tăng trưởng doanh thu thuần cao hơn so với cùng kỳ.  Doanh thu cao, chứng tỏ lượng hàng hóa bán được nhiều, thị phần công ty mở rộng và chu kỳ ngành nghề mà doanh nghiệp hoạt động vẫn còn tiếp tục phát triển.

Dưới đây là ví dụ minh họa sự tăng trưởng doanh thu thuần của Công ty cổ phần Thế giới di động

Doanh thu MWG qua các năm

Hình 3. Sự tăng trưởng doanh thu thuần của MWG

Mặc dù là công ty "sinh sau đẻ muộn" hơn nhiều so với các công ty điện máy như Nguyễn Kim, Trần Anh. Tuy nhiên, do chiến lược phát triển hợp lý của ban lãnh đạo, MWG nhanh chóng vươn lên vị trí số một trong các công ty bán lẻ thiết bị điện, điển tử. Từ 2011 đến 2017, Doanh thu của MWG liên tục tăng mạnh. Đây là dấu hiệu cho thấy sự phát triển mạnh mẽ về thị phần của thế giới di động, và là cơ sở giúp doanh nghiệp này liên tục tăng trưởng mạnh về lợi nhuận. Chính vì vậy, giá của cổ phiếu này liên tục đạt các mốc cao.

Điều ngược lại, khi doanh thu bắt đầu bão hòa và sụt giảm là dấu hiệu cho thấy các rắc rối có thể xảy ra trong tương lai, như hàng hóa bắt đầu bão hòa, thị trường đạt đến giới hạn. Doanh nghiệp khó có thể tiếp tục phát triển. Điều này thể hiện rất rõ qua việc sụt giảm doanh thu của PVD, cổ phiếu đầu ngành của nhóm dầu khí.

Doanh thu PVD

Hình 4. Sự sụt giảm doanh thu của PVD

Năm 214, PVD tăng trưởng doanh thu khá mạnh lên đến 40% so với năm 2013. Nhưng đến năm 2015 doanh thu sụt giảm đến 30.8%. Và liên tục các năm sau, doanh thu của PVD vẫn chưa thể tăng lên. Điều này thể hiện sự khó khăn trong nhóm dầu khí, trong tình trạng giá dầu sụt giảm nhiều năm liên tục. Chính vì vậy, giá của PVD vẫn chưa thể quay về thời kỳ huy hoàng của mình.

Trong quá trình lựa chọn cổ phiếu để đầu tư, mức tăng trưởng doanh thu thuần quý hiện tại đạt ít nhất là 10% trở lên so với cùng kỳ là rất đáng chú ý. Ngoài ra sự tăng trưởng doanh thu phải nhất quán qua các năm ít nhất là 3 năm gần nhất.

Tăng trưởng doanh thu, mới chỉ là một trong số các điều kiện để xem xét lựa chọn cổ phiếu tốt. Nhiều doanh nghiệp mặc dù tăng trưởng doanh thu tốt, nhưng các loại chi phí tăng trưởng mạnh hơn, khiến cho Lợi nhuận sụt giảm, vì thế giá cổ phiếu cũng khó có thể tăng. Xem xét các góc độ của chi phí, sẽ được chúng tôi giới thiệu trong các khóa học chuyên biệt. Còn trong phần tiếp theo, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến các bạn yếu tố lợi nhuận. Đặc biệt tập trung vào lợi nhuận sau thuế. Khi yếu tố lợi nhuận sau thuế tăng mạnh hơn doanh thu, điều đó cũng chứng tỏ một phần là: doanh nghiệp kiểm soát được chi phí.

2. Lợi nhuận sau thuế (LNST) của Doanh nghiệp phải tăng trưởng mạnh và thể hiện tính lợi thế cạnh tranh

Sau khi lấy doanh thu (có thể là doanh thu thuần, doanh thu tài chính, doanh thu khác) và trừ đi các loại chi phí như: Chí phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí lãi vay... và chi phí thuế thu nhập, sẽ được lợi nhuận sau thuế. Đây là chỉ tiêu mà các nhà đầu tư rất quan tâm. Khi xem xét chỉ tiêu này, chúng ta lưu ý các vấn đề chính sau:

- Lợi nhuận sau thuế có tăng trưởng mạnh so với quý cùng kỳ hay không? Chúng tôi thích một tỷ lệ tăng trưởng ít nhất 20%. Các công ty ngoại hạng như CTD, VCS, PNJ, ...có giá cổ phiếu tăng mạnh, thường xuyên đạt được tốc độ tăng trưởng này, thậm chí cao hơn.

- Sự tăng trưởng của lợi nhuận có đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi hay không?. Nếu tăng trưởng lợi nhuận đến từ các hoạt động bất thường như: bán thanh lý tài sản, lợi nhuận do lãi tỷ giá, do đánh giá lại tài sản..., thì nhà đầu tư nên bỏ qua khi xem xét góc độ tăng trưởng của doanh nghiệp.

Vấn đề tăng trưởng của doanh nghiệp sẽ được xem xét kỹ hơn trong phần nghiên cứu chỉ số EPS. Trong phần này, chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn một chỉ số đó là Lợi nhuận sau thuế chia cho doanh thu. Những công ty có chỉ số này cao thường có lợi thế cạnh tranh lâu dài hơn các công ty khác. Ví dụ với VNM, chỉ số này thường xuyên trên 20%, VCS trong năm 2016 và 2017 là trên 20%; APC thể hiện một tỷ số khá cao khi thường xuyên trên 25%. Tỷ số này cao, chứng tỏ doanh nghiệp này có lợi thế hơn các doanh nghiệp khác, Lợi nhuận chiếm phần lớn doanh thu, tức là chi phí chiếm phần nhỏ. Nhà đầu tư huyền thuyện Warrent Buffet rất thích nếu doanh nghiệp có tỷ lệ này trên 20%

Trong khi đó, các ngành nghề có tính cạnh tranh cao, tỷ lệ này thường rất thấp. Nguyên nhân là các doanh nghiệp này không có lợi thế cạnh tranh, buộc doanh nghiệp phải bán giảm giá, hoặc tăng các chi phí như quảng cáo bán hàng, chiết khấu để lôi kéo khách hàng.

Một điểm lưu ý nữa, đó là khi so sánh trong cùng một ngành nghề, tỷ số lợi nhuận sau thuế/doanh thu, cũng cho chúng ta thấy, vị thế của doanh nghiệp trong ngành

Trong ngành thép, HPG khẳng đị vị trí số 1 của mình khi những năm gần đây thường duy trì tỷ lệ này trên 15%. Trong khi của HSG chưa đầy 8%, NKG khoảng 8%. 

Các bạn có thể tìm thấy tỷ lệ tăng trưởng Lợi nhuận sau thuế  (LNST) và tỷ lệ LNST chia cho doanh thu trong công cụ phân tích chỉ số của chúng tôi. Ví dụ về VNM:

Hình 5: Ví dụ về tăng trưởng LNST và chỉ số LNST/Doanh thu thuần của VNM

Sau khi xem xét yếu tố LNST và bỏ qua các lợi nhuận bất thường, nếu công ty tăng trưởng tốt về LNST và đứng đầu trong ngành, bước tiếp theo và quan trọng nhất trong đánh giá tăng trưởng đó là xem xét yếu tố EPS

3.  EPS phải cao và tăng trưởng mạnh

EPS Là tên viết tắt của từ tiếng anh Earning Per Share, hay còn gọi là lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu, được tính bằng cách lấy lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chia cho số lượng cổ phiếu đang lưu hành. 

Ví dụ: Trong năm 2018, Doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế là 1 tỷ đồng, Và có 1 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Vậy EPS của công ty này là 1000 Đồng/cổ phiếu.

Để đánh giá toàn diện các khía cạnh, chúng tôi xây dựng các loại EPS sau:

-

EPS là chỉ số được đông đảo các nhà đầu tư quan tâm. Nó rất có ý nghĩa trong việc đánh giá hiệu quả kinh doanh, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp và định giá của cổ phiếu. Trong Việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư, chúng tôi thường lựa chọn các doanh nghiệp có EPS thỏa mãn các điều kiện sau:

3.1. Doanh nghiệp phải có EPS cao

Chúng tôi lấy một ví dụ đơn giản sau:

- Doanh nghiệp A, có lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phiếu là EPS= 2000 Đồng/CP

- DOanh nghiệp B, có lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phiếu là EPS= 5000 Đồng/CP

Khi chưa xét đến giá của cổ phiếu trên thị trường, và tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp, Thì nhà đầu tư sẽ lựa chọn doanh nghiệp A hay doanh nghiệp B. 

Đương nhiên rồi, câu trả lời là doanh nghiệp B. Bởi vì nhà đầu tư không sở hữu toàn bộ doanh nghiệp, mà chỉ một phần doanh nghiệp tương ứng với số lượng cổ phiếu nhất định. Vì vậy, doanh nghiệp nào có EPS cao hơn, chứng tỏ doanh nghiệp đó kinh doanh hiệu quả hơn.

Thực tế chứng minh rằng, các cổ phiếu hàng đầu thị trường và tăng giá bền vững thường có hiệu quả kinh doanh cao và đương nhiên trong đó có EPS cao. Cổ phiếu ưa thích của chúng tôi trong khoảng thời gian từ 2013- 2016 là CTD, VCS, VNM, PTB, MWG có EPS thường thuộc TOP thị trường, và giá của những cổ phiếu này, cũng luôn tăng trưởng tương đối tốt

Trong khi đó, các cổ phiếu có EPS thấp dưới 2000 đồng như FLC, FIT, HAI, HVG,... giá cổ phiếu thường "lẹt đẹt" và khó bứt phá.

Trên thị trường có rất nhiều cổ phiếu. Vì vậy, nhà đầu tư hãy chọn các công ty có EPS cao một chút. Trong việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư, chúng tôi thường lựa chọn các cổ phiếu của doanh nghiệp có EPS lũy kế 4 quý nhỏ nhất là 3000 đồng/CP. 

3.2. EPS của doanh nghiệp phải tăng trưởng mạnh

Đánh giá tăng trưởng của doanh nghiệp qua doanh thu và lợi nhuận có thể chưa đầy đủ, thậm chí một số trường hợp dẫn đến sai lầm tệ hại. Chúng tôi lấy ví dụ sau:

Công ty A thông báo, so với năm 2016, doanh thu đạt 1000 tỷ đồng, tăng 10%; Lợi nhuận sau thuế đạt 130 tỷ đồng, tăng 30% (Năm 2016 LNST là 100 tỷ). Nghe có vẻ công ty tăng trưởng mạnh và là một cơ hội đầu tư khá hấp dẫn đúng không nào. Nhưng chúng ta hãy xem xet thật kỹ nhé.

Năm 2016, số lượng cổ phiếu lưu hành là 50 triệu, Như vậy Lợi nhuận sau thuế mà mỗi cổ phiếu được hưởng là EPS= 2000 đồng/CP.

Năm 2017, Số lượng cổ phiếu lưu hành là 130 triệu. Với LNST là 130 tỷ, thì EPS = 1000 đồng/CP

Như trong ví dụ trên, Mặc dù LNST tăng trưởng 30%. Nhưng thực ra công ty đang không tăng trưởng. Lợi nhuận tăng thêm, nhưng số lượng cổ phiếu tăng mạnh hơn. Vì vậy lợi nhuận mà mỗi cổ phiếu được phân bổ giảm 1000 đồng/CP . Chúng ta không sở hữu toàn bộ công ty, chúng ta chỉ sở hữu một phần công ty. Vì vậy, vấn đề nhà đầu tư nên quan tâm, đó là lợi nhuận chia cho một cổ phiếu (EPS) có tăng hay không. 

Chính vì vậy, xem xét tăng trưởng của doanh nghiệp qua tăng trưởng của EPS là toàn diện và đầy đủ hơn cả. Cùng với sự tăng trưởng của EPS chính là sự tăng trưởng của giá cổ phiếu. Và đây chính là động lực duy trì giá cổ phiếu tăng trưởng bền vững nhất.

PNJ là cổ phiếu tăng trưởng điển hình trong giai đoạn gần đây (từ năm 2016). Sau khi tái cấu trúc, PNj tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, chính vì vậy EPS cải thiện và tăng trưởng qua các năm. Vì thế, trong năm 2017 và đầu năm 2018, giá cổ phiếu này, cũng liên tiếp phá các đỉnh cao mọi thời đại.

Tăng trưởng EPS của PNJ

Hình 6. Tăng trưởng EPS của PNJ bắt đầu từ năm 2016

Nhà đầu tư cũng lưu ý rằng, khi xem xét tăng trưởng của EPS, chúng ta cũng nên xem xét mức độ ổn định của EPS qua nhiều kỳ đồng thời loại bỏ các yếu tố lợi nhuận bất thường, không phải lợi nhuận thường xuyên và cốt lõi của doanh nghiệp như: Lợi nhuận từ thanh lý tài sản, lợi nhuận đánh gí lại tài sản, lợi nhuận tài chính bất thường... Vì vậy, chúng tôi thường xem xét tăng trưởng của cả 2 loại EPS là:

- EPS cốt lõi trong quý: được tính toán dựa trên lợi nhuận cốt lõi, chủ yếu của doanh nghiệp trong quý. Xem xét EPS cốt lõi, cho cái nhìn chân thực, khách quan về sự phát triển thực sự của doanh nghiệp: 

- EPS cơ bản trong quý:  Cho biết hiệu quả kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp, cả kinh doanh cốt lõi và đầu tư ngoài ngành, công ty liên danh, liên kết..

Trong công cuộc tìm kiếm các cổ phiếu ngoại hạng, chúng tôi luôn quan tâm đến quý gần nhất và phân tích kỹ các cổ phiếu có EPS cốt lõi và EPS cơ bản trong quý tăng trưởng cao, ít nhất cũng phải đạt tốc độ tăng trưởng 20%. Quay lại trường hợp của PNJ. Quý 1 năm 2017, PNJ có sự tăng trưởng đột phá về EPS cả cốt lõi và cơ bản trong quý. Tiếp theo đó, quý 2, PNJ vẫn giữ được phong độ. Quý 3 mặc dù EPS không tăng mạnh. Nhưng đên Quý 4, EPS lại tiếp tục đột phá mức cao mới. Cùng với đó, hoạt động tái cơ cấu, giúp cấu trúc tài chính của PNJ trở nên hợp lý và an toàn hơn. Chính vì vậy, từ thời điểm ra báo cáo KQKD quý 1/2017 và đặc biệt là quý 4/2017, Giá cổ phiếu PNJ liên tục đạt mức cao.

 

 

 

Để nhận được các khuyến nghị cổ phiếu chuyên sâu, xác định điểm mua/bán, giá mục tiêu và giá cutlost Quý nhà đầu tư vui lòng liên hệ với các chuyên gia của Đầu Tư Xu Hướng theo một trong các cách sau:

- KÊNH ĐĂNG KÝ MỞ TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN VÀ TƯ VẤN: TẠI ĐÂY
- Livechat ở bên góc phải màn hình.
- Hotline: 0986.307.486 hoặc 0985.879.385
- Skype: dautuxuhuong
- Email:  [email protected]
- Fanpage: www.fb.com/dautuxuhuong/

Thành Nam IFT

Bình luận

Thông báo!Phần này chỉ thành viên mới có quyền bình luận bài viết. Đăng nhập