HSC Research: HDB - Đánh giá Khả quan

HSC ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu HDB là 40.000đ; tương đương P/B dự phóng năm 2018 là 2,5 lần. Chúng tôi dự báo LNTT tăng trưởng 63,79% trong năm 2018 và tăng trưởng 34,5% trong năm 2019.

Nhận định KQKD – KQKD 6 tháng đầu năm của HDB sát kỳ vọng. Triển vọng nhiều hứa hẹn. Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan. HDB (Khả quan) đã công bố LNTT hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018 đạt 2.062 tỷ đồng (tăng 134,1% so với cùng kỳ) và hoàn thành 52,5% kế hoạch đề ra cho cả năm của Ngân hàng là 3.921 tỷ đồng. Đồng thời bằng 52% dự báo của HSC cho cả năm là 3.959 tỷ đồng.

•    Mặc dù tăng trưởng cho vay khách hàng thấp (tăng 4,91% so với đầu năm), nhưng LNTT của HDSaison vẫn tăng 69,93% so với cùng kỳ lên 400 tỷ đồng, đóng góp 20% vào tổng LNTT hợp nhất nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ tăng mạnh (tăng 626,3% so với cùng kỳ). Trong khi đó,

•    Ngân hàng mẹ HDB đóng góp 80% LNTT, là 1.660 tỷ đồng (tăng 157,1% so với cùng kỳ) nhờ cho vay khách hàng tăng 16,18% so với cuối năm; là mức tăng trưởng cao nhất trong ngành. Tỷ lệ NIM tăng thêm 0,69%; thu nhập lãi thuần tăng mạnh 65,8% so với cùng kỳ trong khi thu nhập ngoài lãi cũng tăng 71,23% so với cùng kỳ.

HDB đang tăng trưởng nhanh hơn bình quân ngành nhờ mạng lưới được mở rộng nhanh chóng, đặc biệt tại các thành phố cấp 2 và các tỉnh thành nhỏ nơi có mức độ cạnh tranh thấp. Điều này giúp tăng trưởng huy động giữ ổn định trong khi tăng trưởng cho vay cao hơn bình quân ngành. Trong khi đó các chỉ số an toàn tài chính lành mạnh và chi phí cũng được kiểm soát tốt làm nền tảng cho câu chuyện tăng trưởng ở HDB.

Động lực tăng trưởng hiện nay là tăng trưởng cho vay cộng với tăng trưởng lợi nhuận mảng dịch vụ tại công ty tài chính tiêu dùng nhờ công ty này lần đầu tiên bán chéo các sản phẩm bảo hiểm. Thu nhập không thường xuyên từ bán bớt 30% danh mục trái phiếu chính phủ đã đóng góp đáng kể vào KQKD 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên các nguồn thu nhập còn lại cũng đang tăng trưởng bền vững.

HDB hiện đang cho thấy một sự cân bằng hoàn hảo giữa rủi ro và lợi nhuận, đặc biệt là tại công ty con HDSaison. Ngân hàng mẹ HDB tăng trưởng vượt trội nhờ tập trung mạnh mẽ vào khách hàng DNNVV và khách hàng cá nhân, chất lượng tài sản được kiểm soát chặt và dư địa tăng trưởng phí dịch vụ lớn. Việc sáp nhập PGB có thể được chấp thuận trong năm nay và giúp HDB bổ sung thêm một mắt xích vào hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan, đó là PLX.

LNTT hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 2.062 tỷ đồng, trong đó 80% là từ Ngân hàng mẹ HDB và 20% là từ công ty tài chính tiêu dùng HDSaison. Để thấy rõ được từng cấu phần trong số liệu hợp nhất, chúng tôi xem xét riêng HDB và HDSaison.

Tại Ngân hàng mẹ HDB, cho vay khách hàng tăng 16,18% so với đầu năm đạt 110,43 nghìn tỷ đồng – cao gấp 2 tốc độ tăng bình quân ngành là 7,88% so với đầu năm. HDB đã sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao cho cả năm và điều này cho thấy HDB có vẻ khá chắc chắn là sẽ được NHNN nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm. Như đã đề cập trong các báo cáo trước đây, NHNN đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho hầu hết các NHTM trong năm 2018. Và NHNN đã thể hiện quan điểm chặt chẽ hơn trong việc nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các NHTM trong Q3  năm nay như vẫn thường làm trong các năm trước do lo ngại lạm phát.Tuy nhiên trong trường hợp của HDB, từ đầu Ngân hàng đã được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% vì HDB cho vay một số dự án ngành điện, là ngành đặc biệt. Và Ngân hàng vẫn tự tin sẽ được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay sau khi nhận được chấp thuận về mặt nguyên tắc cho việc sáp nhập với PGBank.

Cơ cấu cho vay theo kỳ hạn:

•    Cho vay kỳ hạn ngắn tăng 24,29% so với đầu năm đạt 64,34 nghìn tỷ đồng, đóng góp 58,27% vào tổng dư nợ (tại thời điểm cuối năm 2017 là 54,47%).

•    Cho vay trung dài hạn tăng 6,48% so với đầu năm đạt 46,08 nghìn tỷ đồng, đóng góp 41,73% vào tổng dư nợ (tại thời điểm cuối năm 2017 là 45,53%).

Cơ cấu cho vay theo loại tiền:

•    Cho vay tiền đồng tăng 15% so với đầu năm đạt 100,76 nghìn tỷ đồng, đóng góp 91,24% vào tổng dư nợ (tại thời điểm cuối năm 2017 là 92,17%).

•    Cho vay bằng USD và các ngoại tệ khác tăng 30% so với đầu năm đạt 9,67 nghìn tỷ đồng, đóng góp 8,76% vào tổng dư nợ (tại thời điểm cuối năm 2017 là 7,83%).

Cơ cấu cho vay theo đối tượng khách hàng và ngành nghề cho vay như sau:

•    Cho vay khách hàng cá nhân tăng 39% so với cùng kỳ và đóng góp 45% vào tổng dư nợ cho vay khách hàng. Trong đó, cho vay kinh doanh hộ gia đình tăng mạnh, tăng 115% so với cùng kỳ (đóng góp 24% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân), cho vay mua nhà tăng 24% so với cùng kỳ (đóng góp 30% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân), cho vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo tăng 20% (đóng góp 32% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân).

•    Cho vay DNNVV tăng 19% so với cùng kỳ và đóng góp 43% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Trong đó, 45% tổng dư nợ cho vay DNNVV là cho vay làm vốn lưu động trong lĩnh vực thương mại & dịch vụ (tăng 25% so với cùng kỳ).

•    Cho vay tài chính tiêu dùng (HDSaison) tăng 11,72% so với cùng kỳ và đóng góp 8,24% tổng dơ nợ cho vay (9.912 tỷ đồng).

Tiền gửi khách hàng cũng tăng 5,18% so với đầu năm – đạt 126,87 nghìn tỷ đồng.

Cơ cấu tiền gửi theo kỳ hạn:

•    Tiền gửi có kỳ hạn tăng 9,67% so với đầu năm đạt 115,42 nghìn tỷ đồng, đóng góp 90,98% vào tổng vốn huy động (tại thời điểm cuối năm 2017 là 87,25%).

•    Tiền gửi không kỳ hạn giảm 25,53% so với đầu năm đạt 11,44 nghìn tỷ đồng, đóng góp 9,02% vào tổng vốn huy động (tại thời điểm cuối năm 2017 là 12,75%).

Cơ cấu tiền gửi theo loại tiền:

•    Tiền gửi bằng tiền đồng tăng 6,27% so với đầu năm đạt 124,01 nghìn tỷ đồng, đóng góp 97,74% vào tổng vốn huy động (tại thời điểm cuối năm 2017 là 96,74%).

•    Tiền gửi bằng USD giảm 27,03% so với đầu năm đạt 2,86 nghìn tỷ đồng, đóng góp 2,26% vào tổng vốn huy động (tại thời điểm cuối năm 2017 là 3,26%).

Hệ số LDR thuần tăng lên 87% - từ 78,79% tại thời điểm cuối năm 2017. HDB đẩy mạnh tăng trưởng thu nhập lãi thuần bằng cách nâng hệ số LDR thuần vốn vẫn thấp hơn các ngân hàng khác; chẳng hạn như TCB: 89,5 %, VPB: 104 % and BID: 96,3 %. Như vậy HDB đang tăng đòn bẩy.

•    Tiền gửi tăng trưởng khá nhờ Ngân hàng mở rộng mạnh mẽ mạng lưới chi nhánh trong 2 năm qua. Cho vay tăng kém hơn và HDB đã dùng nguồn huy động dư thừa để mua trái phiếu chính phủ. Và dùng trái phiếu chính phủ làm tài sản đảm bảo để vay tiền từ thị trường liên ngân hàng với lãi suất thấp.

•    Tuy nhiên kể từ Q1, khi lợi suất trái phiếu chính phủ bắt đầu tăng và lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ, HDB đã bán 28,64% danh mục trái phiếu chính phủ để hiện thực hóa lợi nhuận và thu tiền về; từ đó cân đối lại vị thế vay ròng trên thị trường liên ngân hàng về gần như con số không. Và đẩy mạnh cho vay khách hàng với tỷ trọng cho vay khách hàng trong tổng tài sản sinh lãi tăng lên 65%.

Tỷ lệ NIM tăng 0,69% so với cùng kỳ và tăng 0,18% so với đầu năm, là 2,64% -  với lợi suất gộp bình quân giảm 0,05% so với cùng kỳ còn chi phí huy động giảm mạnh hơn, giảm 0,49%.

Trong tài sản sinh lãi, lợi suất gộp bình quân giảm 0,05%. Trong đó, lợi suất gộp cho vay khách hàng giữ nguyên ở 9,05%. Lợi suất gộp cho vay liên ngân hàng giảm 0,32% xuống còn 0,97% và lợi suất trái phiếu giảm 0,71% xuống còn 5,42%. Với mức lợi suất trái phiếu này, HDB khó có thể hạch toán đáng kể lợi nhuận từ mua bán/ đầu tư trái phiếu từ 6 tháng cuối năm 2018 trở đi.

Về nguồn huy động, chi phí huy động bình quân giảm 0,49% xuống còn 4,69%. Trong đó, chi phí huy động tiền gửi khách hàng giảm 0,26% xuống còn 4,95%. Chi phí vay liên ngân hàng giảm 0,76% xuống còn 2,06%. Cuối cùng, chi phí phát hành giấy tờ có giá giảm 1,14% xuống còn 7,04%.

Tổng tài sản sinh lãi tăng 17,79% so với cùng kỳ với tỷ trọng cho vay khách hàng có xu hướng tăng – Trong 6 tháng đầu năm, HDB đã bán gần 30% danh mục trái phiếu, đẩy mạnh cho vay khách hàng và cân đối vay ròng liên ngân hàng. Theo đó, tỷ trọng cho vay khách hàng tăng từ 56,59% lên 65,24%; tỷ trọng trái phiếu giảm mạnh từ 30,12% xuống còn 20,4%; tỷ trọng cho vay liên ngân hàng tăng nhẹ từ 13,29% lên 14,36%.

Thu nhập lãi thuần tăng 65,8% so với cùng kỳ lên 2.227 tỷ đồng – nhờ tỷ lệ NIM tăng 0,69% so với cùng kỳ và tài sản sinh lãi tăng 17,79% so với cùng kỳ.

Cả lãi dự thu & các khoản phải thu liên tục giảm – Trong 6 tháng đầu năm, HDB đã giảm được 1.408 tỷ đồng khoản phải thu trong tài sản khác, giảm số dư xuống còn 1.996 tỷ đồng (từ mức cao nhất là 11.882 tỷ đồng trong năm 2013) và cũng giảm được 256 tỷ đồng lãi dự thu xuống còn 2.995 tỷ đồng. Theo HDB, sau khi sáp nhập với Ngân hàng Đại Á vào năm 2013, HDB đã nhận lại cả những khoản vay trả chậm. Theo đó sau gần 5 năm, các khoản vay này đã giảm xuống giúp giảm lãi dự thu.

Tổng thu nhập ngoài lãi tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ nhờ đóng góp đáng kể từ lợi nhuận mua bán trái phiếu – Tổng thu nhập ngoài lãi tăng 71,23% so với cùng kỳ đạt 715 tỷ đồng; trong đó 437 tỷ đồng là lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán (đóng góp 61,07% tổng thu nhập ngoài lãi). Cụ thể;

•    Lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng 24,8% so với cùng kỳ đạt 80,76 tỷ đồng. HDBank vẫn áp dụng mặt bằng phí dịch vụ thấp để giành thị phần. Trong khi đó, Ngân hàng ghi nhận một chút thu nhập từ hoạt động bancassurance (khoảng 10-20 tỷ đồng phí hoa hồng từ việc hợp tác với Dai-ichi Life). HDBank có nhiều tiềm năng trong việc đẩy mạnh nguồn thu nhập này trong tương lai nhờ lượng kháng hàng và mạng lưới được mở rộng một cách ấn tượng trong 3 năm qua.

•    Lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 26,1% so với cùng kỳ còn 82 tỷ đồng;

•    Lãi thuần kinh doanh/đầu tư chứng khoán tăng gần gấp 3 lần đạt 437 tỷ đồng (tăng 168,64% so với cùng kỳ).

•    Thu nhập khác tăng 86,8% so với cùng kỳ đạt 67 tỷ đồng.

•    Thu nhập từ gốp vốn/mua cổ phần tăng nhẹ 11,4% so với cùng kỳ và đạt 48,54 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động tăng 67,1% so với cùng kỳ đạt 2.943 tỷ đồng.

Tổng chi phí hoạt động tăng 22,1% so với cùng kỳ lên 1.178 tỷ đồng – chủ yếu do chi phí nhân viên tăng. Cơ cấu chi phí hoạt động như sau:  

•    Chi phí liên quan đến nhân viên tăng 40,08% so với cùng kỳ lên 591 tỷ đồng (bằng 50,1% tổng chi phí hoạt động). Do tổng số nhân viên tăng 13,32% so với cùng kỳ lên 5.701 người. Lương bình quân/tháng/người tăng từ 14,4 triệu đồng lên 17,75 triệu đồng.

•    Chi phí tài sản tăng nhẹ 4,88% so với cùng kỳ lên 213,6 tỷ đồng. Số lượng chi nhánh tăng 12,33% so với cùng kỳ lên 255 chi nhánh (28 chi nhánh/điểm giao dịch mới đã được mở trong vòng 12 tháng). Theo đó, chi phí liên quan đến tài sản/chi nhánh bình quân giảm từ 151 triệu đồng/chi nhánh/tháng xuống 144 triệu đồng/chi nhánh/tháng;

•    Chi phí quản lý cũng tăng 15,26% so với cùng kỳ lên 327 tỷ đồng.

•    Phí bảo hiểm tiền gửi tăng 8,09% so với cùng kỳ lên 57,09 tỷ đồng do tiền gửi khách hàng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hệ số CIR giảm xuống 40,04% từ 54,79% trong 6 tháng đầu năm năm ngoái. 

Chi phí dự phòng giảm 30,5% còn 104,69 tỷ đồng - Trong đó;

•    Chi phí dự phòng nợ xấu thông thường là 177,66 tỷ đồng.

•    Theo đó chúng tôi giả định HDB đã hoàn nhập chi phí dự phòng cho trái phiếu VAMC khoảng 82 tỷ đồng nhờ thu hồi thành công 240 tỷ đồng nợ xấu (theo mệnh giá trái phiếu VAMC) trong 6 tháng đầu năm.

Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý là 1,01% - cuối năm 2017 là 1,1%. Trong 6 tháng qua chỉ hình thành 77,29 tỷ đồng nợ xấu mới. Cụ thể nợ nhóm 2-5 như sau;

•    Nợ nhóm 3 chiếm 0,22% tổng dư nợ (giảm 20,08% so với cuối năm xuống còn 247 tỷ đồng).

•    Nợ nhóm 4 chiếm 0,26% tổng dư nợ (tăng 34,56% so với cuối năm lên 290 tỷ đồng).

•    Nợ nhóm 5 chiếm 0,53% tổng dư nợ (tăng 12,54% so với cùng kỳ lên 580 tỷ đồng).

Hệ số LLR được cải thiện, tăng lên 92,32% - từ mức 82,49% vào cuối năm 2017. Đây là mức cao nhất của hệ số LLR trong 5 năm qua.

Giá trị trái phiếu VAMC thuần giảm xuống chỉ còn 0,73% dư nợ - HDB có 1.598 tỷ đồng trái phiếu VAMC theo mệnh giá (tại thời điểm cuối năm 2017 là 1.838 tỷ đồng) với dự phòng lũy kế đã trích lập là 794 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng của HDSaison tăng nhẹ (tăng 4,91% so với đầu năm) và thu nhập lãi thuần tăng khiêm tốn (tăng 5,76% so với cùng kỳ) với tỷ lệ nợ xấu ổn định. Tuy vậy lãi từ HĐ dịch vụ tăng mạnh (tăng 626% so với cùng kỳ). Theo đó LNTT tăng 69,93% so với cùng kỳ.

Cho vay khách hàng tăng 4,91% so với đầu năm – đạt 9.912 tỷ đồng. Theo giấy phép hoạt động, HDSaison chỉ có thể cho khách hàng cá nhân vay tiền đồng.

Cơ cấu cho vay theo kỳ hạn:

•    Cho vay ngắn hạn tăng 7,89% so với đầu năm đạt 4.641 tỷ đồng, đóng góp 46,82% vào tổng dư nợ.

•    Cho vay trung hạn tăng 2,41% so với đầu năm đạt 5.271 tỷ đồng, đóng góp 53,18% vào tổng dư nợ.

Phân loại theo các khoản vay:

•    Các khoản vay mua xe máy tăng 2,3% so với đầu năm và tăng 14% so với cùng kỳ đạt 3.964 tỷ đồng (chiếm 40% tổng dư nợ).

•    Các khoản vay mua thiết bị gia dụng, đồ điện tử tăng 8,2% so với đầu năm đạt 2.676 tỷ đồng (chiếm 27% tổng dư nợ).

•    Các khoản vay tiền mặt cho khách hàng thân thiết tăng 7,4% so với đầu năm lên 3.271 tỷ đồng (chiếm 33% tổng dư nợ).

Tăng trưởng cho vay của HDSaison thấp hơn mức bình quân do cạnh tranh gia tăng – Mức tăng trưởng tín dụng bình quân của năm công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất (FE Credit, Home Credit, HDSaison, MCredit, Mirae asset FC) là 6,7% so với đầu năm:

•    FE Credit tăng chậm nhất, 3,54% so với đầu năm.

•    HDSaison tăng 4,91% so với đầu năm.

•    Home Credit duy trì mức tăng 10,39% so với đầu năm.

Trái lại, một số công ty tài chính tiêu dùng mới với quy mô nhỏ hơn lại cho thấy mức tăng trưởng tín dụng rất cao, như:

•    MCredit tăng hơn 60% so với đầu năm.

•    Mirae Asset FC tăng 18,66% so với đầu năm.

Do đó, chúng tôi giả định cạnh tranh từ những công ty mới là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng của top 3 công ty tài chính tiêu dùng đầu ngành chậm lại.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm thường chỉ đóng góp 30-40% tăng trưởng cả năm – Trong những năm trước đó, phần lớn tăng trưởng tín dụng đạt được trong 6 tháng cuối năm. Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đóng góp 30% tăng trưởng cho vay cả năm và 6 tháng đầu năm 2017 đóng góp 37% tăng trưởng cả năm 2017. Do đó, tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 15%-20% là mức dự báo hợp lý đối với HDSaison.

Tổng nguồn vốn huy động tăng 8,07% so với đầu năm – đạt 9.056 tỷ đồng. Trong đó:

•    Vay liên ngân hàng tăng 12,86% so với đầu năm lên 3.444 tỷ đồng (chiếm 38% tổng nguồn vốn huy động).

•    Phát hành giấy tờ có giá tăng 5,33% so với đầu năm lên 5.612 tỷ đồng (chiếm 62% tổng nguồn vốn huy động)

Thu nhập lãi thuần tăng 5,76% so với cùng kỳ đạt 1.481 tỷ đồng – với tỷ lệ NIM giảm và tài sản sinh lãi tăng khiêm tốn. Cụ thể;

•    Tỷ lệ NIM giảm 2,92% so với cùng kỳ và giảm 1,08% so với đầu năm xuống 25,42% do lợi suất cho vay khách hàng cá nhân giảm 7,42% và chi phí huy động bình quân giảm 3,99% so với cùng kỳ. Áp lực cạnh tranh gia tăng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ NIM giảm. Thị trường trở nên cạnh tranh hơn với sự xuất hiện của các đối thủ mới và FE credit dường như cũng đang chuyển hướng chiến lược sang các sản phẩm truyền thống như cho vay mua xe, cho vay mua đồ gia dụng và đồ điện tử.

•    Tổng tài sản sinh lãi tăng nhẹ 9,58% so với cùng kỳ lên 11.889 tỷ đồng.

Tổng thu nhập ngoài lãi tăng gấp 3,6 lần đạt 235,12 tỷ đồng – HDSaison bắt đầu bán chéo các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ cho khách hàng từ Q4/2017, nhờ vậy thu nhập ngoài lãi tăng mạnh với tỷ trọng đóng góp của khoản này vào tổng thu nhập hoạt động tăng từ 2% lên 13,70%. HDSaison cho biết, sản phẩm bảo hiểm này chỉ áp dụng cho các hợp đồng cho vay mới và phụ thuộc vào lựa chọn của người vay. Tuy nhiên, 80% người vay đồng ý mua bảo hiểm cho các khoản vay mới.

•    Sản phẩm bảo hiểm chính là bảo hiểm khoản vay áp dụng cho các khoản vay tín chấp. Công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm thanh toán khoản vay trong trường hợp người vay (đồng thời là người mua bảo hiểm khoản vay) qua đời hoặc gặp tai nạn.

•    Phí bảo hiểm bình quân là khoảng 5% - 6% gốc vay và thường được khấu trừ trực tiếp khi giải ngân khoản vay.

•    Tỷ lệ hoa hồng đại lý mà công ty bảo hiểm chi trả cho công ty tài chính là khoảng 20% - 30% phí bảo hiểm.

Chi phí hoạt động gần như không đổi, tăng nhẹ 1,24% so với cùng kỳ - lên 925 tỷ đồng. Trong đó, tổng chi phí nhân viên tăng 11% so với cùng kỳ lên 537 tỷ đồng do số lượng nhân viên tăng 3,66% so với cùng kỳ lên 7.900 người. Lương bình quân/nhân viên/tháng gần như không đổi, là 11 triệu đồng. Tuy nhiên, số lượng nhân viên thực tế cũng giảm 6,43% so với đầu năm. Chúng tôi chưa có lý giải cụ thể cho biến động ở đây.

Theo đó, hệ số CIR là 53,94% so với mức 63,82% vào cuối tháng 6/2017.

Chi phí dự phòng tăng 37,98% so với cùng kỳ lên 390 tỷ đồng – Trong đó, 387 tỷ đồng là chi phí dự phòng cụ thể và 3,4 tỷ đồng là chi phí dự phòng chung cho nợ xấu. HDSaison đã xóa 352,24 tỷ đồng nợ xấu trong 6 tháng đầu năm nay (tăng 46,23 % so với cùng kỳ và tương đương 3,55 % tổng dư nợ). Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu đã xóa của FE Credit trong cùng giai đoạn này là 6,31% tổng dư nợ và của Home Credit là 3,14% tổng dư nợ.

Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý là 6,08% - so với mức 5,74% vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, nợ nhóm 2 tăng lên 6,83% tổng dư nợ từ 6,03% trong năm 2017. Do đó, tổng nợ nhóm 2-5 chiếm 12,91% tổng dư nợ vào cuối tháng 6/2018 trong khi tỷ lệ này trong năm 2017 là 11,76%. Trong khi đó, nợ nhóm 2-5 của Home Credit chiếm 12,25% và của FE Creidt là 19% tổng dư nợ.

Theo đó, LNTT 6 tháng đầu năm của HDB đạt 400 tỷ đồng (tăng 69,93% so với cùng kỳ).

Cho năm 2018, HSC giữ nguyên dự báo ban đầu của chúng tôi với lợi nhuận tăng trưởng 63,79% đạt 3.959 tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh một số giả định như sau;

1.   Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo ban đầu đối với tăng trưởng cho vay khách hàng từ 25% còn 23,19% do đà tăng trưởng chậm lại của HDSaison. Chúng tôi hiện dự báo tăng trưởng cho vay của HDBank là 24% đạt 117,86 nghìn tỷ đồng và của HD Saison chỉ là 15% (từ dự báo 25% ban đầu) đạt 10,86 nghìn tỷ đồng.

2.   Trong khi đó chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo ban đầu đối với tăng trưởng tiền gửi khách hàng từ 20% còn 15% đạt 138 nghìn tỷ đồng. Toàn bộ tăng trưởng tiền gửi đều là từ Ngân hàng mẹ HDBank. Và Ngân hàng sẽ tiếp tục kiểm soát tốc độ tăng trưởng tiền gửi tương tự như trong 6 tháng đầu năm nhờ nguồn tiền mặt dồi dào sau khi bán ra số lượng lớn trái phiếu chính phủ.

3.   Do đó, chúng tôi hiện dự báo hệ số LDR thuần cho HDBank sẽ tăng lên 84,9% (năm 2017 là 78,8%) và hệ số LDR thuần hợp nhất sẽ là 92,8% (năm 2017 là 86,7%).

4.   Chúng tôi hiện dự báo tỷ lệ NIM sẽ tăng lên 4,54% (thấp hơn 0,06% so với dự báo ban đầu, là 4,6%) so với mức 4,06% trong năm 2017. Trong đó, tỷ lệ NIM của HDBank dự báo sẽ tăng lên 2,96% từ 2,43% trong năm 2017. Và tỷ lệ NIM của HD Saison dự báo sẽ giảm nhẹ xuống 28% trong năm 2018 khi HD Saison hoàn tất phần lớn các đợt giới thiệu sản phẩm mới theo kế hoạch.

5.   Do đó, thu nhập lãi thuần hợp nhất dự báo tăng trưởng 32,11% đạt 8.421 tỷ đồng. Trong đó, chúng tôi dự báo thu nhập lãi thuần của HDBank tăng trưởng 43,61% đạt 5.171 tỷ đồng và của HD Saison tăng trưởng 19,13% đạt 3.250 tỷ đồng.

6.   Chúng tôi điều chỉnh dự báo ban đầu đối với tổng thu nhập ngoài lãi hợp nhất từ tăng trưởng 11,5% lên 34% (đạt 1.544 tỷ đồng). Nguyên nhân chính dẫn đến điều chỉnh của chúng tôi là giả định cao hơn đối với thu nhập từ kinh doanh trái phiếu của HDBank, đạt 510 tỷ đồng thay vì 290 tỷ đồng theo giả định ban đầu. Chúng tôi cũng không bao gồm lợi nhuận tiềm năng từ cổ phần tại VJC trong mô hình của mình.

7.   Chúng tôi giả định chi phí hoạt động hợp nhất chỉ tăng 14,91% so với năm 2017 lên 4.703 tỷ đồng. Chúng tôi dự báo HDBank sẽ tiếp tục kiểm soát nghiêm ngặt chi phí hoat động như trong năm 2017 và số lượng các điểm bán hàng mới của HD Saison trong năm 2018 sẽ ít hơn trong năm 2017.

8.   Do đó, hệ số CIR hợp nhất được cải thiện, là 47,2% trong năm 2018 (năm 2017 là 54,4%).

9.   Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo ban đầu đối với chi phí dự phòng từ tăng 53,32% so với năm 2017 (là 1.558 tỷ đồng) xuống tăng 28,13% so với năm 2017 (là 1.302 tỷ đồng). Trong đó, chi phí dự phòng của HDBank sẽ tăng 36,33% so với năm 2017 lên 573 tỷ đồng và của HD Saison tăng 22,36% so với năm 2017 lên 729 tỷ đồng. Giá trị gộp trái phiếu VAMC mà HDBank hiện nắm giữ là 1.598 tỷ đồng với dự phòng tích lũy là 794 tỷ đồng đến cuối tháng 6/2018. Chúng tôi dự báo HDBank sẽ trích lập khoảng 319 tỷ đồng dự phòng cho 803 tỷ đồng trái phiếu VAMC chưa trích lập.

10. Theo đó, chúng tôi dự báo LNTT hợp nhất đạt 3.959 tỷ đồng (tăng trưởng 63,79%).

11. HDBank có kế hoạch phát hành ESOP (khoảng 2% vốn điều lệ của thời điểm cuối năm 2017). Kế hoạch này đã được cổ đông thông quy tại HĐCĐTN gần đây tuy nhiên vẫn chưa được triển khai trong 6 tháng đầu năm.

12. Chúng tôi cũng giả định HDB sẽ thực hiện trả cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 20% trong 6 tháng cuối năm nay (100 cổ phiếu hiện hành sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới).

Theo đó, BVPS của HDB sẽ là 13.233đ (sau phát hành cổ phiếu trả cổ tức). EPS sẽ là 2.869đ. ROAE là 20% và ROAA là 1,60%. Ở thị giá hiện tại, cổ phiếu đang giao dịch với P/B dự phóng là 2,3 lần và P/E dự phóng là 10,6 lần.

Cho năm 2019, HSC dự báo LNTT hợp nhất tăng trưởng 34,50% đạt 5.325 tỷ đồng. Dự báo của chúng tôi đơn thuần là cho hoạt động kinh doanh của HDBank và chưa bao gồm tác động từ thương vụ M&A với PGBank. Chúng tôi sẽ điều chỉnh mô hình dự báo cho năm 2019 khi thương vụ M&A với PGBank được NHNN chấp thuận. Các giả định của chúng tôi cho Ngân hàng trước M&A như sau:

1.   Chúng tôi dự báo cho vay khách hàng tăng trưởng 20% đạt 154,48 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng của HDB tăng trưởng 20% đạt 141,44 nghìn tỷ đồng và của HDSaison tăng trưởng 20% đạt 13,03 nghìn tỷ đồng.

2.   Chúng tôi dự báo tiền gửi khách hàng tăng trưởng 17% đạt 162,30 nghìn tỷ đồng và hoàn toàn là từ HDBank.

3.   Do đó, hệ số LDR thuần của HDB dự báo tăng lên 87,15% từ 85% trong năm 2018.

4.   Chúng tôi dự báo tỷ lệ NIM là 4,94% từ 4,54% chủ yếu nhờ tỷ lệ NIM tại HDBank tăng (tăng từ 2,96% trong năm 2018 lên 3,37% trong năm 2019). Trong khi đó, chúng tôi dự báo tỷ lệ NIM tại HDSaison sẽ giảm nhẹ xuống 27% từ 28% trong năm 2018.

5.   Do đó, chúng tôi dự báo thu nhập lãi thuần tăng trưởng 23,45% đạt 10.396 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần của HDBank tăng trưởng 28,20% đạt 6.629 tỷ đồng và của HDSaison tăng trưởng 15,90% đạt 3.767 tỷ đồng.

6.   Chúng tôi dự báo tổng thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 7,7% đạt 1.663 tỷ đồng. Cả HDBank và HDSaison đều đạt tăng trưởng mạnh lãi thuần hoạt động dịch vụ. Tuy nhiên, thu nhập từ kinh doanh trái phiếu sẽ đóng góp không đáng kể cho HDBank như trong năm 2018 (chúng tôi giả định đóng góp từ dòng thu nhập này trong năm 2019 là 205 tỷ đồng so với 510 tỷ đồng trong năm 2018).

7.   Chi phí hoạt động tăng vừa phải 12,51% so với năm 2018 lên 5.292 tỷ đồng. Trong đó, chi phí hoạt động của HDB sẽ tăng 12,11% lên 2.920 tỷ đồng và của HDSaison tăng 13% lên 2.371 tỷ đồng.

8.   Do đó, hệ số CIR là 43,9% (năm 2018 là 47,2%). Đối với HDBank, hệ số CIR là 36,41% (năm 2018 là 40,11%) và đối với HDSaison, hệ số CIR là 55,70% (năm 2018 là 57%).

9.   Chúng tôi dự báo chi phí dự phòng tăng 10,76% lên 1.442 tỷ đồng. HDBank sẽ trích lập 583 tỷ đồng chi phí dự phòng (tăng 1,89%) trong khi đó HDSaison trích lập 859 tỷ đồng chi phí dự phòng (tăng 17,73%).

10. Do đó, LNTT hợp nhất dự báo đạt 5.325 tỷ đồng (tăng trưởng 34,5%). HDB sẽ đóng góp 4.518 tỷ đồng (tăng trưởng 36,19%) và HDSaison đóng góp 1.026 tỷ đồng (tăng trưởng 22,02%).

Theo đó, BVPS của HDB sẽ là 15.411đ với EPS là 3.847 tỷ đồng. ROAE là 23,2% và ROAA là 1,91%. Ở thị giá hiện tại, cổ phiếu đang giao dịch với P/B dự phóng năm 2019 là 1,97đ và P/E dự phóng là 7,91 lần.

Ngân hàng vẫn chờ phê duyệt từ NHNN đối với thương vụ M&A với PGB – Kế hoạch sáp nhập đã được cổ đông của cả HDB và PGB thông qua tại ĐHCĐTN tổ chức vào tháng 4 với tỷ lệ hoán đổi là 0,62 cổ phiếu HDB đổi lấy 1 cổ phiếu PGB. Và 0,38 cổ phần PGB sẽ được phân phối cho cổ đông hiện hữu của HDB với giá 10.000đ/cp và sau đó bán lại số cổ phiếu này cho HDB với giá 13.000đ/cp để làm cổ phiếu quỹ. Ngân hàng vẫn đang chờ phê duyệt của NHNN và quá trình này hiện kéo dài hơn một chút so với dự báo. Cách thức hoán đổi phức tạp có thể là nguyên nhân ở đây.

Chúng tôi giữ quan điểm lạc quan đối với thương vụ sáp nhập tiềm năng này. PGBank là ngân hàng nhỏ với gánh nặng nợ xấu không đáng kể. Tuy nhiên, do công ty mẹ của PGB là PLX và các công ty con/liên kết của tập đoàn này sở hữu hệ thống nhượng quyền bán lẻ rất mạnh với nguồn tiền mặt khổng lồ. Lợi thế này sẽ hỗ trợ rất lớn cho chiến lược của HDB trong 5 năm tới, cụ thể (1) đóng góp lớn vào hệ sinh thái khách hàng và (2) đẩy mạnh huy động tiền gửi nhờ khả năng tạo tiền mặt của PLX.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, PGBank báo đạt 98 tỷ đồng LNTT – từ 101 tỷ đồng trong năm 2017. Cụ thể như sau:

(1)  Cho vay khách hàng đạt 20,79 nghìn tỷ đồng (giảm 2,95% so với đầu năm), tương đương 17,28% tổng dư nợ hợp nhất của HDB. Cho vay khách hàng cá nhân chiếm 34 % tổng dư nợ, cho vay các doanh nghiệp tư nhân chiếm 61 % tổng dư nợ và cho vay khối DN Nhà nước chiếm 5 % tổng dư nợ.

(2)  Tiền gửi khách hàng đạt 22,39 nghìn tỷ đồng (giảm 2,09% so với đầu năm), tương đương 17,67% tổng tiền gửi hợp nhất của HDB. Trong đó, tiền gửi khách hàng cá nhân chiếm 60% và tiền gửi từ khách hàng doanh nghiệp là 40%.

(3)  Do đó, hệ số LDR thuần là 93%.

(4)  Tỷ lệ NIM tăng 0,06% lên 3,44% (cuối năm 2017 là 3,38%).

(5)  Theo đó, thu nhập lãi thuần đạt 433,90 tỷ đồng và tổng thu nhập ngoài lãi đạt 66,15 tỷ đồng.

(6)  Chi phí hoạt động là 265 tỷ đồng. Hệ số CIR là 53% (năm 2017 là 47%).

(7)  Chi phí dự phòng là 135 tỷ đồng.

(8)  Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý là 3,75% tổng dự nợ (là 780 tỷ đồng). Tuy nhiên, giá trị gộp trái phiếu VAMC mà PGBank hiện nắm giữ là 2.229 tỷ đồng với chi phí dự phòng tích lũy là 930 tỷ đồng. Do đó, giá trị trái phiếu VAMC chưa trích lập là 1.299 tỷ đồng, tương đương 6,24% tổng dư nợ của PGB (tương đương 1,08% tổng dư nợ hợp nhất của HDB).

(9)  PGBank có 80 chi nhánh/điểm giao dịch (tương đương 31,37% hệ thống của HDB). Tổng số lượng nhân viên là 1.625 người (tương đương 28,50% số lượng nhân viên của Ngân hàng mẹ HDB).

Quan điểm đầu tư – Chúng tôi giữ đánh giá Khả quan đối với cổ phiếu HDBank với giá trị hợp lý ước tính là 40.000đ (tương đương P/B dự phóng năm 2018 là 2,5 lần). Định giá của chúng tôi dựa trên P/B hiện tại bình quân ngành là 2,0 lần. Chúng tôi cho rằng HDBank xứng đáng với mức định giá cao hơn bình quân nhờ triển vọng đầy hứa hẹn của mảng khách hàng cá nhân trong khi đó Ngân hàng cũng rất thành công trong kiểm soát chất lượng tài sản với tỷ lệ nợ xấu và chi phí dự phòng thấp. Đà tăng trưởng của HDBank vẫn còn rất lớn. Và mặc dù có thể tăng trưởng chậm lại một chút, HDSaison vẫn sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận ở mức vừa phải và đóng góp từ 20%-30% cho tổng lợi nhuận chung. Cả ngân hàng mẹ và công ty con đều rất thận trọng đối với rủi ro và điều này đảm bảo cho mức tăng trưởng ổn định trong tương lai. Chúng tôi lưu ý rằng HDBank là NHTMCP duy nhất hiện còn room.

Nguồn: HSC Research Report

Để nhận được các khuyến nghị cổ phiếu chuyên sâu, xác định điểm mua/bán, giá mục tiêu và giá cutlost Quý nhà đầu tư vui lòng liên hệ với các chuyên gia của Đầu Tư Xu Hướng theo một trong các cách sau:

- KÊNH ĐĂNG KÝ MỞ TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN VÀ TƯ VẤN: TẠI ĐÂY
- Livechat ở bên góc phải màn hình.
- Hotline: 0985.839.385
- Skype: dautuxuhuong
- Email:  [email protected]
- Fanpage: www.fb.com/dautuxuhuong/

Quỳnh Anh-IFT

Bình luận

Thông báo!Phần này chỉ thành viên mới có quyền bình luận bài viết. Đăng nhập