Bài 2. Phương pháp đầu tư chứng khoán theo hệ thống IFT

Muốn đầu tư chứng khoán thành công, nhà đầu tư phải xây dựng một phương pháp đầu tư chứng khoán hiệu quả, dựa trên các nguyên tắc đầu tư đúng đắn. Trong bài học này chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn Phương pháp đầu tư  chứng khoán theo hệ thống IFT. Đây là phương pháp đầu tư chứng khoán được đúc rút ra từ thực tế thị trường chứng Viêt Nam và tư học hỏi kinh nghiệm  các nhà đầu tư xuất sắc nhất như Warren Buffett, Peter Lynch, William O'Neil,…

Phương pháp đầu chứng khoán theo hệ thống IFT là  phương pháp đầu tư theo xu hướng gồm 3 phần, quan hệ mật thiết với nhau, bao gồm: 

- Lựa chọn cổ phiếu;

- Lựa chọn thời điểm giao dịch

- Quản lý danh mục đầu tư

I. Lựa chọn cổ phiếu theo phương pháp đầu tư chứng khoán của IFT

1.1. Các nguyên tắc nền tảng khi lựa chọn cổ phiếu

Lựa chọn cổ phiếu là bước quan trọng đầu tiên trong hệ thống, quyết định rất nhiều đến sự thành công trong đầu tư. Khi lựa chọn cổ phiếu, chúng tôi xem xét thật kỹ và lựa chọn những công ty có các đặc điểm sau:

a. Cấu trúc tài chính hợp lý: Cấu trúc tài chính hợp lý giúp tận dụng tối đa nguồn lực để phát triển doanh nghiệp. Cấu trúc tài chính được đánh giá qua các yếu tố như cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu tài sản của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp tốt sẽ biết cách quản lý tốt tồn kho, công nợ phải thu và biết cách thu xếp nguồn vốn để đảm bảo cho sản xuất kinh doanh... 

Phương pháp của chúng tôi chỉ quan tâm đến các công ty có lượng tiền mặt tăng đều, lượng công nợ phải thu thấp (thường nhỏ hơn 40%) so với tổng tài sản... Để đánh giá cấu trúc tài chính của một công ty, bạn đọc có thể tham khảo bài học số 3: "Cách đọc báo cáo tài chính: lựa chọn doanh nghiệp tốt thông qua bảng cân đối kế toán".

b. Có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ: KQKD là cái đích mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng cần phải theo dõi, KQKD tăng trưởng tốt là dấu hiệu chuyển mình của doanh nghiệp, cho thấy xu hướng phát triển tiếp theo của công ty. Đầu tư chứng khoán theo hệ thống IFT chỉ quan tâm đến các công ty có doanh thu tăng trưởng ít nhất 10%, và đặc biệt EPS phải đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất 20% so với cùng kỳ, nếu tốc độ tăng trưởng EPS cao nhất trong các quý gần đây thì càng tốt.

Bên cạnh đó, hệ thống cũng xem xét tốc độ tăng trưởng của EPS trong khoảng 3 đến 4 quý gần đây. Nếu quý hiện tại có tốc độ tăng trưởng EPS có thể đạt 20%, nhưng lại là mức thấp nhất so với các quy trước thì chúng tôi cũng phải tìm hiểu kỹ để quyết định có nên đầu tư tiếp hoặc chuyển sang công ty khác tốt hơn không. Vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự chững lại của xu hướng tăng trưởng của doanh nghiệp trước khi bước sang giai đoạn bão hòa và suy thoái.

Chi tiết về đánh giá kết quả kinh doanh, nhà đầu tư có thể tham khảo bài học số 4: "Cách đọc báo cáo tài chính: Chọn doanh nghiệp tốt qua báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh"

c. Có hiệu quả kinh doanh cao: Hiệu quả kinh doanh giúp đánh giá xem doanh nghiệp đã tận dụng đa các nguồn lực để phát triển doanh nghiệp chưa. Một doanh nghiệp tốt phải có ROE cao hơn nhiều lần tiền gửi ngân hàng, lợi nhuận ròng trên tài sản phải cao nhất ở mức có thể, và quyền lợi của cổ đông thông qua chỉ số EPS phải thuộc hàng TOP thị trường. Hệ thống IFT thường lựa chọn các cổ phiếu có ROE trên 20%, hiệu quả tài sản sinh lợi ít nhất 15%, và EPS thường đạt trên 3000 VNĐ/CP. Chi tiết về cách chọn cổ phiếu có hiệu quả kinh doanh cao, các bạn có thể tham khảo bài học số 5: Lựa chọn doanh nghiệp thông qua các chỉ số ROE, ROA sinh lợi và EPS. Thực tế đã chứng minh, các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh cao và đầu ngành, luôn là lựa chọn tuyệt vời để đầu tư.

Giới thiệu bộ lọc cổ phiếu tốt và có xu hướng phát triển mạnh của IFT:

Nhà đầu tư có thể sử dụng bộ lọc kết quả HĐKD của chúng tôi để nhanh chóng phát hiện ra các cơ hội đầu tư, theo đường dẫn sau: https://dautuxuhuong.com/bo-loc-co-phieu.html

Hệ thống tự động chấm điểm và xếp hạng các cổ phiếu theo các yếu tố cơ bản và tăng trưởng. Điểm số càng cao càng tốt. 

Trong thực tế, khi sử dụng bộ lọc, chúng tôi lọc ra các cổ phiếu có điểm cơ bản từ 9 và điểm tăng trưởng từ 8 trở lên. Nếu kết quả vẫn có quá nhiều mã đạt yêu cầu, chúng tôi tiếp tục lọc theo các điều kiện như tăng trưởng EPS cốt lõi cao nhất, có động lực tăng trưởng từ tài sản cố định... Sau khi bộ lọc cho ra kết quả khoảng 10 mã, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá chi tiết từng cổ phiếu để phát hiện ra các cơ hội tuyệt vời nhất

Ví dụ về bộ lọc:

Bộ lọc KQKD

Hình 1: Lọc theo Kết quả Hoạt động kinh doanh

d. Giá cổ phiếu đang trong xu hướng tăng

Một cổ phiếu tốt và có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhưng chưa hình thành xu hướng tăng giá thì cũng chưa nên đầu tư. Nếu nhà đầu tư mua, sẽ bị “chôn vốn” và bỏ lỡ các cơ hội khác trên thị trường.  Xu hướng tăng giá của cổ phiếu một khi đã hình thành thì rất khó để đảo chiều. Điều này đã được thị trường chứng minh là đúng. Vì vậy, Cách khôn ngoan nhất là hãy đầu tư vào cổ phiếu đang trong xu hướng tăng. Một xu hướng mạnh là một xu hướng tăng giá mạnh mẽ, dứt khoát và bền bỉ, càng gần đỉnh cao mọi thời đại càng tốt, và đặc biệt, trong quá trình đi lên, đồ thị cổ phiếu không bị đứt gãy bất thường, lỏng lẻo.

Để đánh giá sức mạnh xu hướng, chúng tôi dùng công cụ điểm sức mạnh của hệ thống  TẠI ĐÂY.

Một cổ phiếu có sức mạnh là 9.0 có nghĩa là nó lọt vào TOP 10 cổ phiếu có xu hướng mạnh nhất thị trường.

Chúng tôi thường rất quan tâm đến các cổ phiếu có điểm sức mạnh trên 8.5, đặc biệt là các cổ phiếu mà trước đây chỉ có điểm sức mạnh dưới 8 điểm sau đó lọt vào TOP 15% cổ phiếu mạnh nhất (tức là điểm sức mạnh trên 8.5) thì hệ thống IFT đánh giá rất cao. Vì nhiều khả năng, nó là các cổ phiếu ngoại hạng tiếp theo.

e. Một số yếu tố khác:

- Cổ phiếu phải có các chất xúc tác mạnh mẽ: 

Hệ thống cũng ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu có các chất xúc tác mạnh như: Có sản phẩm dịch vụ mới, có nhà máy mới, thị trường mới, hưởng lợi từ chính sách vĩ mô như: giá nguyên vật liệu đầu vào giảm, giá bán sản phẩm tăng, giảm thuế... Các chất xúc tác này, có thể làm thay đổi kỳ vọng tăng trưởng của doanh nghiệp theo hướng tích cực

Một số trường hợp đặc biệt như khi doanh nghiệp tung ra sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cấp công suất...có thể chưa đạt ngay hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi thường đợi khi ra báo cáo KQKD quý, vào các tháng 1, 4, 7, 10 để đánh giá tác động của các động lực tăng trưởng này. Nếu doanh thu, EPS tăng tốt, hiệu quả kinh doanh cao, thì chúng tôi sẽ đưa vào danh mục theo dõi mua.

- Cổ phiếu phải phản ứng tích cực với các biến động bất thường của thị trường

Khi đã lựa chọn được các cổ phiếu thỏa mãn các yếu tố bên trên, bạn cũng cần xem xét phản ứng của giá cổ phiếu với các biến động bất thường của thị trường. Hệ thống đánh giá cao các cổ phiếu có đặc điểm sau: Khi thị trường chung giảm mạnh, các cổ phiếu này giảm ít với khối lượng thấp. Và khi hồi phục, các cổ phiếu này tăng giá mạnh mẽ nhất. 

- Cổ phiếu phải có thanh khoản và vốn hóa đảm bảo:

Một cổ phiếu có thanh khoản là một cổ phiếu dễ mua, dễ bán. Tính thanh khoản được đánh giá qua khối lượng giao dịch hàng ngày. Nếu khối lượng giao dịch lớn thì cổ phiếu có tính thanh khoản cao và ngược lại.

Có nhiều quan điểm khác nhau về thanh khoản. Có quan điểm cho rằng, cổ phiếu tốt sẽ được nhiều người giữ và rất ít người bán, nên nếu cổ phiếu tốt thì thanh khoản thấp. Nhưng có một thực tế, thanh khoản thấp thì rất khó mua bán. Vì vậy, khi có những biến động bất thường xảy ra, muốn bán cổ phiếu để thu tiền mặt về sẽ rất khó khăn. 

Trong thực tế, có nhiều cổ phiếu tốt nhưng thanh khoản cũng vẫn đảm bảo. Vì vậy, hệ thống ưu tiên lựa chọn các mã có thanh khoản một chút.

Ngoài ra, yếu tố vốn hóa cũng cần phải đảm bảo. Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, Chỉ cần một lượng tiền nhỏ là đã có thể kiểm soát cung cầu, nên dễ bị “làm giá”, Để tránh hiện tượng này, hệ thống IFT sẽ chỉ lựa chọn các cổ phiếu có Vốn hóa đảm bảo.

Giới thiệu bộ lọc vốn hóa và thanh khoản của IFT:

Nhà đầu tư có thể dễ dàng lọc được các cổ phiếu đảm bảo thanh khoản và vốn hóa thông qua bộ lọc của chúng tôi, theo đường dẫn sau: https://dautuxuhuong.com/bo-loc-co-phieu.html

Chúng tôi đã chấm điểm vốn hóa và thanh khoản của từng cổ phiếu. Điểm càng cao, thì thanh khoản hoặc vốn hóa càng lớn. 

Khi sử dụng bộ lọc, Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên chọn điểm vốn hóa lớn hơn 7 và điểm thanh khoản cũng lớn hơn 7.

Ví dụ:

Bộ lọc Vốn hóa

Hình 2. Lọc thanh khoản và vốn hóa của cổ phiếu

1.2. Phân loại các dòng cổ phiếu, và thứ tự ưu tiên đầu tư

Để giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng theo dõi các khuyến nghị của hệ thống, chúng tôi phân chia các cổ phiếu thành 3 nhóm chính, bao gồm:

- Nhóm số 1: Các cổ phiếu tăng trưởng. Đây là nhóm cổ phiếu luôn được hệ thống ưu tiên lựa chọn. Sau khi có được danh sách các cổ phiếu theo nguyên tắc nền tảng, chúng tôi đánh giá và so sánh các cổ phiếu với nhau. Cổ phiếu nào có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất về doanh thu, lợi nhuận đặc biệt là EPS sẽ được lựa chọn. Ngoài yếu tố tăng trưởng, Trong lựa chọn nhóm số 1, các cổ phiếu còn phải đảm bảo có cả cơ cấu tài chính hợp lý và hiệu quả kinh doanh (đánh giá qua ROE, ROA, EPS...) mức tốt trong ngành. 

- Nhóm số 2: Các cổ phiếu đầu ngành. Đây là các cổ phiếu có uy tín, vị thế trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động. Các cổ phiếu này chiếm thị phần lớn, đồng thời hiệu quả kinh doanh đạt mức cao nhất (như EPS, ROE, ROA  thuộc top cao nhất). Ngoài ra, các công ty này vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực trong tương lai. Mức tăng trưởng này, không nhất thiết phải là tăng trưởng mạnh như nhóm số 1

- Nhóm số 3: Cổ phiếu sức mạnh. Cổ phiếu có sức mạnh là cổ phiếu có xu hướng tăng giá mạnh mẽ và bền bỉ nhất thị trường. Xu hướng tăng giá của các cổ phiếu sẽ được so sánh trực tiếp với nhau.  Sau đó được chấm điểm và xếp hạng trong bộ lọc sức mạnh của chúng tôi. Các cổ phiếu thuộc nhóm này phải có điểm sức mạnh từ 8.5 trở lên và ngày càng cải thiện thứ hạng.

Sau khi phân loại, Hệ thống đầu tư IFT sẽ lựa chọn các cổ phiếu theo các ưu tiên sau:

- Ưu tiên số 1: Chọn các cổ phiếu vừa thuộc nhóm tăng trưởng, vừa đầu ngành và thuộc TOP Sức mạnh. Đây là lựa chọn hoàn hảo nhất, và giá cổ phiếu thường tăng giá mạnh mẽ bền bỉ. Nhưng thực tế chứng minh, tìm kiếm được các cổ phiếu thuộc ưu tiên số 1 rất khó khăn, mỗi năm chỉ xuất hiện 2-3 cổ phiếu. 

- Ưu tiên số 2: Chọn các cổ phiếu thuộc nhóm tăng trưởng và nhóm TOP sức mạnh. Đây là lựa chọn cũng khá tuyệt vời và chặt chẽ, giá cổ phiếu thường tăng mạnh, thậm chí bất chấp thị trường, thị trường có thể lên xuống, nhưng cổ phiếu này luôn ổn định và đi lên. Lựa chọn ưu tiên số 2 thường nhiều hơn số 1. Sau mỗi lần công bố báo cáo tài chính quý, hệ thống sẽ review và đưa ra các cổ phiếu thuộc lựa chọn ưu tiên 2.

- Ưu tiên số 3: Chọn các cổ phiếu đầu ngành và nằm trong TOP sức mạnh. Lựa chọn này thường nhiều hơn so với ưu tiên 1 và 2.  Ở mỗi ngành nghề thường đều có các cổ phiếu đầu ngành, và các cổ phiếu này thường cuốn hút khá nhiều nhà đầu tư. Khi các cổ phiếu này nằm trong TOP sức mạnh, thì cũng là các cơ hội để đầu tư tuyệt vời

- Ưu tiên số 4: Các cổ phiếu nằm trong TOP sức mạnh. Trong một số các trường hợp cổ phiếu chưa phải là cổ phiếu tăng trưởng hoặc đầu ngành, tuy nhiên chúng lại có các xúc tác mạnh mẽ có thể ảnh hưởng tích cực đến triển vọng phát triển của doanh nghiệp như hưởng lợi từ các chính sách vĩ mô, từ sự tăng giảm giá thành sản phẩm... Nếu các cổ phiếu này nằm trong TOP sức mạnh (điểm sức mạnh lớn hơn 8.5), tức là nằm trong nhóm 15% mạnh nhất thị trường, thì hệ thống cũng xem xét để đưa vào danh mục khuyến nghị.

Trên đây, chúng tôi đã trình bày các nguyên tắc nền tảng trong việc lựa chọn các cổ phiếu, giúp nhà đầu tư hiểu được cách phân nhóm các loại cổ phiếu và cách ưu tiên lựa chọn đầu tư. Tuy nhiên, Việc này mới chỉ quyết định 40% thành công, những vấn đề còn lại đó chính là thời điểm giao dịch cổ phiếu và cách quản lý danh mục đầu tư. Những việc này quyết định 60% thành công trong đầu tư cổ phiếu.

II. Thời điểm giao dịch theo phương pháp đầu tư chứng khoán của IFT

2.1. Nguyên tắc quan trọng trước khi giao dịch

Có nhiều nguyên tắc trong việc mua bán cổ phiếu. Tuy nhiên, nguyên tắc tuân theo xu hướng chung của thị trường là một nguyên tắc quan trọng mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng cần phải thực hiện.

Trên Thị trường chứng khoán Việt Nam, Thị trường chung được đại diện bởi các chỉ số thị trường như VN-index, HNX-index, VN30,...Khi thị trường chung đạt đỉnh và  giảm điểm thì phần lớn các mã trên thị trường đều giảm mạnh. Bất kể cổ phiếu đó là cổ phiếu tốt hay xấu, cổ phiếu tăng trưởng hay đầu cơ,...Thậm chí mức sụt giảm của nhiều cổ phiếu còn mạnh hơn cả mức giảm của thị trường.

Trường hợp ngược lại, khi thị trường tạo đáy đi lên, về cơ bản, các mã cũng sẽ đi lên theo, xác suất giảm giá mạnh của cổ phiếu là thấp hơn. Trong xu hướng uptrend của thị trường chung tùy thuộc vào loại cổ phiếu, dòng tiền mà mức độ tăng sẽ khác nhau.

Chính vì vậy, việc tuân theo xu hướng chung của thị trường là nguyên tắc quan trọng trong phương pháp đầu tư của hệ thống. Và chúng tôi cũng khuyên nhà đầu tư, nên làm theo các chỉ dẫn của thị trường chung, và tốt nhất chúng ta chỉ CHƠI TRONG UPTREND (xu hướng đi lên). Trước khi thực hiện mua bán, nhà đầu tư luông đặt cho mình câu hỏi: Thị trường hiện tại đang ở xu hướng nào? giai đoạn nào?

Cũng như một cổ phiếu bất kỳ, Thị trường chung cũng vận động qua 04 giai đoạn.

a. Giai đoạn tích lũy tạo đáy:

Đây chính là thời kỳ đầu, đánh dấu quá trình giảm giá của thị trường chung kết thúc và bắt đầu vào quá trình tích lũy, mua cổ phiếu. Giai đoạn tạo đáy,  thị trường có thể trải qua một số dạng tích lũy sau:

 - Tích lũy hoảng loạn: Nhà đầu tư bi hoảng loạn bán cổ phiếu, khiến giá của chúng đồng loạt giảm giá sâu. Tích lũy hoảng loạn là cơ hội mua cổ phiếu và đạt được thành công nhanh chóng. Tuy nhiên, đòi hỏi nhà đầu tư phải quyết đoán, hành động mau lẹ. Dám mạnh dạn mua giá thấp và nhanh chóng thoát khỏi thị trường, dạng tích lũy này thường không bền, sau khi bị bán tháo, giá cổ phiếu sau đó thường hồi phục mạnh mẽ và cũng bị đối diện với áp lực chốt lời

 - Tích lũy chán nản: Nhà đầu tư mất niềm tin, chán nản, thậm chí bỏ không đầu tư chứng khoán. Khối lượng giao dịch trên thị trường thường thấp, giá của các chỉ số biến động không nhiều. Các cổ phiếu cũng không bứt phá mạnh mẽ. 

Thời điểm tạo đáy, nhà đầu tư có thể tham gia với tỷ trọng thấp hoặc có thể đứng ngoài, quan sát cổ phiếu sẵn sàng cho thương vụ đầu tư mới

b. Giai đoạn tăng giá chính:

Trong giai đoạn này, các cổ phiếu , các nhóm ngành thay thế nhau tăng giá. Thậm chí có thời điểm tất cả các mã, các nhóm ngành đồng loạt tăng giá làm cho thị trường bùng nổ mạnh mẽ. Biểu đồ của chỉ số thường hình thành cặp đáy sau cao hơn đáy trước, xác nhận xu hướng tăng giá dài hạn.

Đây là thời điểm tuyệt vời để nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

c. Giai đoạn phân phối:

Sau khi tăng giá mạnh mẽ, chỉ số bắt đầu xuất hiện các tín hiệu bất thường như khối lượng tăng, giá không tăng. Giá tăng trong phiên sau đó giảm mạnh,...Các cổ phiếu đầu ngành cũng bắt đầu xuất hiện các hiện tượng như thế. Sau khoảng 3-5 ngày phân phối thị trường sẽ đạt đỉnh và giảm giá mạnh mẽ.

Đây là thời kỳ nhà đầu tư bán cổ phiếu của mình

d. Giai đoạn giảm giá:

Thị trường giảm mạnh, các cổ phiếu đồng loạt giảm theo. Lúc này nhà đầu tư phải đứng ngoài , đối với các nhà đầu tư vẫn nắm giữ cổ phiếu phải kiên quyết cắt lỗ, không nên cố hy vọng.

Sau khi lựa chọn được cổ phiếu theo các nguyên tắc, hệ thống đưa ra các khuyến nghị mua bán theo đồ thị phân tích kỹ thuật. thời điểm giao dịch theo các cách giao dịch của hệ thống như sau:

2.2. Cách mua cổ phiếu

- Cách mua 1: Mua trên nền tích lũy đi ngang của cổ phiếu.

Trường hợp này giá biến động đi ngang và  kéo dài ít nhất 2 tuần với khối lượng cạn kiệt. Ví dụ: 

Điểm mua số 1

Hình 3. Mua gom trên nền tích lũy

Cách mua số 01 còn gọi là mua gom (mỗi ngày mua một ít), trên nền tích lũy đi ngang. Cách mua này, hệ thống áp dụng cho các cổ phiếu thuộc ưu tiên số 1 và số 2. Đồng thời khuyến nghị cho các nhà đầu tư dài hạn, trường vốn, có tính kiên nhẫn. Bởi vì, sau khi mua, có thể cổ phiếu chưa tăng giá ngay.

- Cách mua số 2: Mua sau khi cổ phiếu đã tích lũy đủ và bắt đầu có tín hiệu dòng tiền vào mạnh, phá vỡ mô hình tích lũy

Điểm mua số 2

Hình 4. Mua khi có tín hiệu dòng tiền, Bùng nổ cả giá và khối lượng

Cách mua số 2 được tiến hành khi có tín hiệu dòng tiền, tức là bùng nổ cả giá và khối lượng. Cách mua này, Hệ thống áp dụng cho các cổ phiếu thuộc ưu tiên số 1, số 2. Đối với các cổ phiếu ưu tiên số 3, chỉ thực hiện điểm mua bùng nổ khi có sự đồng thuận của các cổ phiếu khác trong ngành, đặc biệt là ngành đó có các xúc tác thực sự mạnh mẽ. 

- Cách mua số 3: Mua sau khi cổ phiếu đã có đà tăng, bước vào điều chỉnh giá, và bắt đầu có tín hiệu trở lại của dòng tiền.

Cách mua này, thường được hệ thống khuyến nghị đưa ra. Đặc điểm của điểm mua này, là giá đã tăng được một đoạn ( gọi là đà tăng), sau đó, giá cổ phiếu điều chỉnh. Tuy nhiên khi điều chỉnh, phải tạo được nền tảng chặt chẽ, mức độ điều chỉnh không được quá lớn. Đồng thời khi giá điều chỉnh, khối lượng kèm theo cũng phải giảm và nếu cạn kiệt thì càng tốt. Sau khi có tín hiệu dòng tiền trở lại (Bùng nổ cả giá và khối lượng), thì đây là điểm mua thích hợp nhất.

Lưu ý rằng, đà tăng giá nằm trong khoảng từ 10-20% so với nền tảng trước đó là hợp lý nhất. Nếu đà tăng lớn quá, và nhất là hơn cả tốc độ tăng trưởng của EPS, thì rất có thể, cổ phiếu sắp đạt giá mục tiêu và bước vào điều chỉnh sâu hơn. Mô hình của điểm mua số 3 khi có dòng tiền như sau:

 

Hình 5. Mô hình cách mua số 3

Ví dụ: 

Điểm mua số 3

Hình 6. Cách mua số 3 của PNJ

- Cách mua số 4: Mua khi thị trường chung có bán hoảng loạn

Khi thị trường chung xảy ra bán tháo hoảng loạn, là cơ hội hiếm có cho các nhà đầu tư nắm giữ lượng lớn tiền mặt. Hệ thống sẽ có các công cụ giúp xác định mức độ hoảng loạn và tư vấn cho nhà đầu tư mua trong trường hợp này. Ngoài ra, sau khi giá cổ phiếu tăng trở lại, thường đối diện với áp lực bán khá lớn. Vì vậy, nhà đầu tư có thể tranh thủ chốt lời sớm.

Hiện tại, Để giúp nhà đầu tư nhanh chóng biết được các cổ phiếu nào đang thu hút dòng tiền, Chúng tôi đã xây dựng bộ lọc tìm dòng tiền (https://dautuxuhuong.com/bo-loc-co-phieu.html). Khi điểm dòng tiền trong bộ lọc từ 9 điểm trở lên, đó là tín hiệu cho thấy sự xuất hiện của dòng tiền thông minh. Nhà đầu tư có thể tham khảo và đưa ra quyết định mua cổ phiếu. (Lưu ý, cổ phiếu phải thỏa mãn 5 tiêu chí đầu tiên, và phải tạo được nền tảng tích lũy hoặc điều chỉnh chặt chẽ)

Ví dụ bộ lọc dòng tiền:

Bo loc dong tien

Hình 7. Bộ lọc dòng tiền.

2.3. Cách Bán cổ phiếu

Bán cổ phiếu là bước giúp nhà đầu tư đạt được lợi nhuận hoặc cắt lỗ để tránh rủi ro. Sau khi nghiên cứu rất nhiều các cổ phiếu thành công và các quy tắc kiểm soát rủi ro, hệ thống đưa ra các cách bán như sau:

- Cách 1: Bán khi triển vọng doanh nghiệp kém khả quan

Giá cổ phiếu gắn liền với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp hết động lực tăng trưởng hoặc có các thông tin bất lợi ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của doanh nghiệp, thì nên bán cổ phiếu ra. Hệ thống sẽ luôn đưa ra các khuyến cáo cho nhà đầu tư về triển vọng của doanh nghiệp khi ra báo cáo tài chính cũng như đánh giá tác động của các tin tức bất thường đến doanh nghiệp

- Cách 2: Bán khi thị trường chung phân phối:

Thực tế chứng minh rằng khi thị trường chung phân phối, hầu như tất cả cổ phiếu đều giảm giá. Vì thế, khi thị trường chung đưa ra tín hiệu này, để đảm bảo lợi nhuận và tránh rủi ro, hệ thống sẽ đưa ra các khuyến nghị bán. Việc mua lại lúc nào cũng được, vì thế phải bảo toàn được vốn đầu tư, tránh rủi ro khi thị trường gặp bão.

- Cách 3: Xem xét bán khi xảy ra một trong các trường hợp sau

+ Bán khi cổ phiếu tăng giá từ 20-25% và xuất hiện các tín hiệu phân phối thoát hàng như: Giá tăng cao trong phiên, sau đó đóng cửa ở mức thấp, kèm khối lượng lớn. Giá giảm mạnh kèm khối lượng lớn... 

+ Bán khi giá cổ phiếu điều chỉnh phá vỡ nền tích lũy, các mức hỗ trợ. Sau khi cổ phiếu tạo được đà tăng và bước vào điều chỉnh, chúng ta kỳ vọng cổ phiếu sẽ bùng nổ. Tuy nhiên, giá của cổ phiếu đi ngược lại kỳ vọng và rơi xuống một nền tảng giá thấp hơn hoặc phá vỡ các mốc hỗ trợ quan trọng. Lúc này cổ phiếu điều chỉnh mạnh và không giữ được xu hướng tăng giá trước đó nữa. điều nên làm lúc này là bán cổ phiếu.

+ Bán khi giá cổ phiếu điều chỉnh >8% so với đỉnh ngắn hạn mới thiết lập kèm theo khối lượng tăng đột biến. Thực tế chứng minh, khi điều này xảy ra, rất lâu sau đó, cổ phiếu mới tìm lại được sức mạnh của mình. Vì vậy, hệ thống khuyến nghị nhà đầu tư nên bán để bảo vệ tài khoản của mình.

- Cách 4: Bán cắt lỗ

Khi mua cổ phiếu đúng như cách mua và cách chọn cổ phiếu. Tuy nhiên giá không tăng như kỳ vọng và giảm hơn 8% so với giá mua vào, thì nên bán cổ phiếu để giữ vốn. Bởi vì, chúng ta sẽ không biết được hết tất cả các thông tin. Hơn nữa, Nhà đầu tư có thể mua lại bất cứ lúc nào cũng được. Thông thường nếu chọn đúng các cổ phiếu và đúng điểm mua, thì rất ít khi phải bán cutloss

Trong phần khuyến nghị cho khách hàng VIP, chúng tôi cũng sẽ tư vấn chi tiết điểm mua, điểm bán của từng cổ phiếu. Quý nhà đầu tư có thể xem trong phần khuyến nghị TẠI ĐÂY

III. Cách quản lý danh mục đầu tư theo phương pháp đầu tư chứng khoán của IFT

Quản lý danh mục đầu tư là công việc cực kỳ quan trọng, có tính quyết định đến thành công trong phương pháp đầu tư chứng khoán. Có nhiều nhà đầu tư có kỹ năng đầu tư và lựa chọn cổ phiếu khá tốt, tuy nhiên vẫn gặp thất bại. Trong khi đó, nhiều người kỹ năng đầu tư có thể chưa xuất sắc nhưng họ biết cách quản lý danh mục đầu tư của mình, và họ là người chiến thắng trong dài hạn.

Cách quản lý danh mục đầu tư chính là cách bạn xác định số vốn đầu tư, có nên dùng vốn vay không, quy mô đầu tư ( đầu tư bao nhiêu mã), phân bổ vốn đầu tư ( mỗi mã đầu tư bao nhiêu tiền), cách thức giải ngân vốn (mua toàn bộ cổ phiếu vào một lần hay thành nhiều lần) và dùng đòn bẩy cho từng cổ phiếu như thế nào...Một khi làm tốt công tác quản lý danh mục,  nhà đầu tư sẽ tránh được khá nhiều rủi ro.

Tùy thuộc vào lượng vốn đầu tư của từng nhà đầu tư, mà cách quản lý sẽ khác nhau, nhưng phải dựa trên những nguyên tắc sau:

- Luôn luôn kiểm soát rủi ro, kiểm soát thua lỗ tránh để thua lỗ nhiều hơn: Bí quyết đầu tư thành công của các nhà giao dịch nổi tiếng trên thế giới là phải kiểm soát được rủi ro mỗi khi giao dịch. Trong đó, cắt lỗ là việc làm cực kỳ quan trọng. Sau khi mua một cổ phiếu, nếu diễn biến của thị trường chung và giá cổ phiếu không như kỳ vọng và giảm giá, Nhà đầu tư cần nhanh chóng bán cổ phiếu và nắm giữ tiền mặt. Việc làm này sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế được thiệt hại trước các diễn biến bất lợi của thị trường chung hoặc của riêng cổ phiếu.

Hệ thống đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư nên bán cổ phiếu nếu như giá giảm 8% so với giá mua vào. Ví dụ, nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu A với giá 10.8, sau đó cổ phiếu giảm giá, còn 10.0 thì nhà đầu tư nên bán cổ phiếu ra. 

- Chỉ nên đầu tư bằng số tiền nhàn rồi. Đầu tư chứng khoán có một sức hấp dẫn kỳ lạ, khiến nhiều người đổ rất nhiều tiền bạc vào đó. Nhưng thực tế chứng minh, thị trường chứng khoán cực kỳ khắc nghiệt. Trong ngắn hạn, có nhiều nhà đầu tư thắng lợi lớn. Nhưng dài hạn, những người thành công thực sự thì rất ít, mà đa số là mất mát và thua lỗ. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị, nhà đầu tư chỉ nên dùng số tiền nhàn rồi, không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn để tham gia

- Không nên sử dụng tiền vay margin quá mức và chỉ sử dụng tiền vay khi tài khoản có lãi: khi xảy ra các trường hợp bán như phần 2 phải nhanh chóng bán ngay để bảo toàn vốn. Margin là con dao 02 lưỡi, Nó có thể giúp nhà đầu tư lãi rất nhanh, nhưng cũng khiến nhà đầu tư thảm bại. Khi có lãi, nhà đầu tư thường tự tin thái quá vào khả năng của mình, bỏ qua các cảnh báo và dùng margin một cách bừa bãi; vì thế phải gánh hậu quả nặng nề. Chính margin là nguyên nhân chính khiến rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ

Hệ thống IFT khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên vay tối đa 50% so với số vốn tự có. Ví dụ, nếu bạn có 1 tỷ, thì bạn chỉ nên vay thêm 500 triệu, tức là tổng tài sản để đầu tư là 1,5 tỷ đồng.

- Không nên đầu tư toàn bộ vốn vào một cổ phiếu nhưng cũng không nên đa dạng hóa quá mức. Đầu tư cổ phiếu là công việc nhiều rủi ro, giá cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và nhà đầu tư khó có thể kiểm soát được tất cả các yếu tố này. Khi có một yếu tốt bất lợi tác động đến, giá cổ phiếu có thể phản ánh thái quá khiến tài khoản nhà đầu tư có thể giảm mạnh. Vì vậy, khi đầu tư, không nên dồn toàn bộ tiền vào một loại cổ phiếu. Tuy nhiên, cũng không nên đa dạng hóa quá mức. Vì việc đa dạng hóa quá mức, làm cho nhà đầu tư mất sự tập trung khó kiểm soát tài khoản.

Đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, với lượng vốn dưới 3 tỷ, Hệ thống khuyến nghị nên đầu tư tối thiểu là 3 cổ phiếu và tối đa là 6 cổ phiếu. Các cổ phiếu này cần phải được lựa chọn kỹ càng và cẩn thận.

- Tỷ trọng vốn đầu tư phân bổ cho một cổ phiếu phải dựa vào tính chất của cổ phiếu đó. Cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tốt, giá hợp lý, sức mạnh cao và thanh khoản đảm bảo sẽ được dồn tỷ trọng nhiều nhất. Các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt nhưng thanh khoản thấp, nhà đầu tư cũng chỉ nên đầu tư một lượng vốn vừa phải.

- Nguyên tắc giải ngân nhiều lần và chỉ giải ngân mới khi vị thế mua trước đó đã có lãi : Nguyên tắc này, giúp nhà đầu tư phân tán rủi ro, Không mua hết số vốn phân bổ cho cổ phiếu trong một lần mua, mà tiến hành giải ngân thành nhiều lần. Hệ thống khuyến nghị nhà đầu tư nên dùng chiến thuật giải ngân kiểu kim tự tháp để thực hiện nguyên tắc này.

Ví dụ Cách giải ngân đối với cổ phiếu A (ví dụ bên trên) có thể như sau:

+ Giải ngân lần 1 với tỷ trọng 30% số vốn phân bổ:  Số vốn phân bổ cho A là 600 triệu, như vậy lần 1 nhà đầu tư dùng 300 triệu đồng để mua cổ phiếu A. Nếu như diễn biến giá không không như tính toán giá cổ phiếu giảm 8% so với giá mua, thì nhà đầu tư sẽ lỗ 24 triệu đồng (tương ứng là 2,4%)

+ Giải ngân lần 2 với tỷ trọng 30% số vốn phân bổ: Lần giải ngân 2 chỉ được tiến hành khi giá đã tăng được khoảng 5%

+ Giải ngân lần 3 với tỷ trọng 20% số vốn còn lại: Lần giải ngân 3 chỉ được tiến hành khi giá đã tăng được khoảng 3%

Với cách giải ngân như thế này, thì rủi ro cơ bản được hạn chế

- Nguyên tắc nhổ cỏ trồng hoa: 

Nếu danh mục đầu tư của bạn vẫn hoạt động tốt, các cổ phiếu vẫn sinh lãi thì nhà đầu tư nên cố gắng giữ để tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu có một cổ phiếu vi phạm các nguyên tắc bán, hoặc nhà đầu tư phát hiện ra cơ hội đầu tư tốt hơn, thì cần phải thực hiện nguyên tắc cắt cỏ trồng hoa,  bán cổ phiếu lỗ nhiều nhất hoặc lãi ít nhất để mua cổ phiếu mới. Không được phép bán cổ phiếu tăng giá mạnh nhất. Điều này giúp nhà đầu tư tối đa hóa lợi nhuận, tiếp tục để cổ phiếu mạnh nhất thể hiện sức mạnh.

Cách giải ngân này, cũng áp dụng tương tự cho các tài khoản có số vốn nhỏ hơn 2 tỷ. Nhà đầu tư có số vốn lớn hơn, hãy liên hệ với chúng tôi để nhận tư vấn chi tiết.

III. Một Số hình ảnh về kết quả đầu tư của khách hàng theo phương pháp đầu tư chưng khoán của  hệ thống đầu tư xu hướng IFT

Với tiêu chí, chỉ đầu tư vào các cổ phiếu tốt và có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai, giá đang trong xu hướng tăng mạnh, điểm mua, điểm bán hợp lý, có chất xúc tác tiềm năng,.. hệ thống đầu tư xu hướng đã mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư. Dưới đây là hình ảnh thành quả của một số nhà đầu tư tiêu biểu:

Hình 8. Tỷ suất lợi nhuận theo IFT của PNJ đạt hơn 50%, SHB gần 65% trong khoảng thời gian chưa đầy 4 tháng

Hình 9. Tỷ suất lợi nhuận của VCS đạt 17,6% trong khoảng 2 tháng

Hệ thống chỉ đầu tư vào các cổ phiếu chất nhất thị trường, cách quản lý chặt chẽ rủi ro cùng hệ thống dữ liệu mạnh mẽ, sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro và thành công hơn trong đầu tư.

Để nhận được các khuyến nghị cổ phiếu chuyên sâu, xác định điểm mua/bán, giá mục tiêu và giá cutlost Quý nhà đầu tư vui lòng liên hệ với các chuyên gia của Đầu Tư Xu Hướng theo một trong các cách sau:

- KÊNH ĐĂNG KÝ MỞ TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN VÀ TƯ VẤN: TẠI ĐÂY
- Livechat ở bên góc phải màn hình.
- Hotline: 0985.839.385
- Skype: dautuxuhuong
- Email:  [email protected]
- Fanpage: www.fb.com/dautuxuhuong/

Thành Nam IFT

Bình luận

Thông báo!Phần này chỉ thành viên mới có quyền bình luận bài viết. Đăng nhập