Bài 5. Cách sử dụng hỗ trợ, kháng cự

Hỗ trợ và kháng cự là một trong số các công cụ quan trọng trọng phân tích kỹ thuật. Thấu hiểu về công cụ này, giúp nhà đầu tư hiểu hơn về quan hệ cung cầu của người mua, người bán; cũng như sự dịch chuyển của dòng tiền thông minh ẩn đằng sau các ngưỡng này.

I. Khái niệm Hỗ trợ và kháng cự

1.1. Hỗ trợ là gì?

Ngưỡng hỗ trợ: Là ngưỡng giá tại đó lực mua đủ lớn để ngăn không cho giá tiếp tục giảm.

Ví dụ Ngưỡng hỗ trợ (đường màu xanh đi qua các điểm H1, H2, H3, H4) của Cổ phiếu GMD như hình 1:

Ngưỡng Hỗ trợ của GMD

Hình 1. Ngưỡng hỗ trợ tại vùng giá 31 của GMD

Khoảng thời gian từ 24/7/2017 đến khoảng 13/3/2018, GMD hình thành một ngưỡng hỗ trợ quanh vùng giá 31. Mỗi lần tiến về gần vùng này, giá cổ phiếu lại bật tăng trở lại.

Quy luật cung cầu ẩn sau ngưỡng hỗ trợ đó là: Khi giá về gần vùng H1, nhiều người cho rằng giá cổ phiếu đã giảm quá mức nên những người nắm cổ phiếu không bán ra. Đồng thời người cầm tiền, thấy cổ phiếu giá rẻ, họ bắt đầu mua lại, giá cổ phiếu tăng lên. Đặc biệt là những người không mua được tại điểm H1, họ thường có cảm giác tiếc nuối. Chính vì vậy, khi giá giảm về đến điểm H2, những người này không bỏ lỡ cơ hội mua được giá thấp, nên họ mua vào tại gần vùng giá này. Giá cổ phiếu lại tăng lên. Tâm lý nhà đầu tư tại các điểm H3, H4 cũng thế. Điều này, hình thành nên ngưỡng hỗ trợ, cứ khi về vùng này, lực bán suy yếu, lực mua mạnh lên, giá cổ phiếu tăng lên

Để xác định ngưỡng hỗ trợ, Nhà đầu tư vẽ các đường thẳng nối các đáy trên đồ thị của cổ phiếu lại với nhau. Trường hợp GMD bên trên, hỗ trợ là đường thẳng đi qua các điểm H1, H2, H3, H4

Trường hợp lý tưởng ngưỡng hỗ trợ thường được sử dụng là đường thẳng. Tuy nhiên, do liên quan đến tâm lý, mà tâm lý mang tính chất tương đối. Người ta có thể mua gần cao hơn giá 31, ngay tại 31, hoặc cao hơn 31. Nên thực tế, hỗ trợ thường là một vùng giá. Vì vậy, khi nói ngưỡng hỗ trợ của GMD là 31, nhà đầu tư nên hiểu, giá có thể bật lên từ mốc 30.5 hoặc bật lên từ mốc 31.5,...

1.2. Khang cự là gì?

Kháng cự là ngưỡng giá tại đó lực bán đủ mạnh để ngăn cho giá không thể tăng tiếp.

Ví dụ ngưỡng kháng cự của cổ phiếu GMD như hình 2 (đường màu đỏ phía trên, đi qua các điểm K1, K2, K4, K5) :

Ngưỡng kháng cự của GMD

Hình 2. Ngưỡng kháng cự (màu đỏ, phía trên) của GMD

Quy luật cung cầu ẩn sau ngưỡng kháng cự đó là: Khi giá tiến đến gần điểm K1, nhiều người  nắm giữ cổ phiếu cho rằng giá cổ phiếu đã  quá cao, nên họ bán ra., Lực bán gia tăng khiến giá cổ phiếu giảm. Đặc biệt những người mua tại ngưỡng này, khi giá giảm, họ thua lỗ và trong tâm lý họ rất đau khổ. Cho nên, kỳ vọng của họ là khi giá lên đúng vùng giá họ mua, họ sẽ bán ra cổ phiếu để cắt giảm thua lỗ và thoát khỏi nỗi đau khổ. Chính vì vậy, khi giá lên đến K2, áp lực bán để chốt lời đặc biệt là thoát khỏi nỗi đau rất lớn, khiến giá cổ phiếu đi xuống,... Cứ như thế, ngưỡng kháng cự sẽ hình thành

Để xác định ngưỡng kháng cự, nhà đầu tư cần xác định các đỉnh trên đồ thị và nối các đỉnh này lại với nhau, sẽ được kháng cự. Trong ví dụ trên, kháng cự của GMD là đường thẳng nối các đỉnh K1, K2, K4, k5.

Trường hợp lý tưởng ngưỡng hỗ trợ thường được sử dụng là đường thẳng. Tuy nhiên, do liên quan đến tâm lý, mà tâm lý mang tính chất tương đối, nên ngưỡng kháng cự thường không phải là một giá trị cố định mà biến động trong một phạm vi. Vì vậy, ngưỡng kháng cự thường là một khu vực.. Ví dụ trường hợp GMD, ngưỡng kháng cự của cổ phiếu nằm quanh giá trị 37 

II. Đặc điểm của hỗ trợ, kháng cự và ứng dụng

2.1. Chạm hỗ trợ cổ phiếu bật lên, chạm kháng cự cổ phiếu giảm xuống.

Đây là tính chất cơ bản nhất của các đường hỗ trợ và kháng cự, Ví dụ cổ phiếu GMD như hình 3.

Kháng cự-hỗ trợ GMD

HÌnh 3. Tính chất hỗ trợ-kháng cự

Ứng dụng tính chất này như sau:

- Khi giá tiến gần đến ngưỡng hỗ trợ và bắt đầu tăng trở lại, hãy mua cổ phiếu vào . Ngoài ra, hãy đặt một ngưỡng cắt lỗ khoảng 5% so với giá mua, đề phòng kỳ vọng nhà đầu tư thay đổi, ngưỡng hỗ trợ sẽ bị phá hủy;

- Khi giá tiến đến gần ngưỡng kháng cự, hãy bán ra cổ phiếu. Đồng thời sẵn sàng mua lại, nếu giá vượt thành công kháng cự với giá và khối lượng đột biến.

Lưu ý, khi giao dịch theo tính chất này, nhà đầu tư cần phải đánh giá độ tin cậy của ngưỡng kháng cự, hỗ trợ. Ngưỡng kháng cự, hỗ trợ càng dài và càng đi qua nhiều đỉêm cực trị (các đỉnh, các đáy)  thì càng tin cậy, có thể sử dụng để giao dịch.

Ví dụ trường hợp GMD, nhà đầu tư hoàn toàn có thể giao dịch tại các điểm H3, H4, K3, K5.

Tuy nhiên, thời gian tồn tại quá dài (ví dụ khoảng 1 năm), kỳ vọng của các nhà đầu tư thường thay đổi, nỗi đau khổ, sự tiếc nuối có thể không còn trong tâm lý nhà đầu tư, nên sức mạnh của kháng cự, hỗ trợ sẽ suy giảm.

Một điều lưu ý tiếp theo là khoảng cách giá giữa kháng cự và hỗ trợ nên lớn một chút (thường khoảng 12% ), đủ để giao dịch. Không nên quá nhỏ, sẽ khó kiếm được lợi nhuận

2.2. Vượt kháng cự, giá cổ phiếu có thể bước vào giai đoạn tăng giá mới

Khi giá cổ phiếu vượt kháng cự thành công, tức là tất cả các nhà đầu tư thua lỗ lúc trước bây giờ đã có lãi, nên họ sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu, kỳ vọng nhà đầu tư thay đổi từ ý định bán để gỡ lỗ, thành nắm giữ với kỳ vọng tăng cao hơn. Giá cổ phiếu có thể sẽ bước vào giai đoạn tăng giá mới.

Một điều đáng lưu ý là: Khi vượt kháng cự thành công, sẽ vẫn còn một số nhà đầu tư bán cổ phiếu, khiến giá cổ phiếu suy giảm. Nhưng lượng người bán thường không nhiều, và khi giá giảm về ngưỡng kháng cự cũ này, lực mua lại xuất hiện, khiến giá cổ phiếu tăng lên. Lúc này, kháng cự cũ trở thành hỗ trợ mới cho giá.

Kháng cự HPG

Hình 4. Vượt kháng cự, Giá cổ phiếu HPG tăng mạnh, đồng thời kháng cự cũ, trở thành hỗ trợ mới

Nhà đầu tư cũng chú ý rằng: không phải cứ vượt qua vùng kháng cự là giá có thể bước vào giai đoạn tăng mới. Nhiều khi, vượt kháng cự, giá cổ phiếu lại quay đầu giảm giá. Bởi vì chưa có sự thay đổi quá nhiều trong kỳ vọng của nhà đầu tư, giá cổ phiếu khó lòng tăng được

Ứng dụng điều này trong giao dịch:

- Khi giá bứt phá khỏi kháng cự với khối lượng lớn và giá tăng mạnh: Nhà đầu tư có thể giải ngân một phần. Đặt cắt lỗ khi giá giảm quá 5% so với giá mua vào

- Tiếp tục mua thêm vào cổ phiếu, khi giá test thành công ngưỡng kháng cự cũ. Tức là khi giá giảm, không thủng ngưỡng kháng cự cũ và giá bật lên luôn. Điểm mua này, xác suất thành công cao hơn so với điểm mua vượt kháng cự

2.3. Thủng hỗ trợ, giá cổ phiếu có thể tiếp tục giảm

Khi giá cổ phiếu giảm và thủng ngưỡng hỗ trợ, điều này chứng tỏ rằng, kỳ vọng nhà đầu tư đã thay đổi, nhà đầu tư sẵn sàng bán lỗ cổ phiếu để thoát khỏi thị trường. Lực bán gia tăng tại đây. Giá cổ phiếu có thể tiếp tục giảm mạnh hơn. 

Một số trường hợp, giá cổ phiếu sau khi giảm, sẽ tăng lên đến ngưỡng hỗ trợ cũ. Tuy nhiên, lúc này nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá hồi lên để bán và thoát khỏi thị trường, nên giá sau khi quay lên hỗ trợ cũ, sẽ lại quay đầu giảm giá. Đây là hiện trượng hỗ trợ cũ biến thành kháng cự mới. 

Hình 5 là ví dụ minh họa cho các trường hợp trên

Thủng hỗ trợ

Hình 5. Cổ phiếu GMD, Thủng hỗ trợ tại H5 giá cổ phiếu giảm mạnh, hỗ trợ trở thành kháng cự tại H6

Ứng dụng  điều này trong giao dịch:

- Khi giá thủng hỗ trợ với khối lượng lớn, Hãy nhanh chóng bán ra cổ phiếu;

- Nếu giá giảm quá sâu, thường sẽ có hồi giá, ngay sau khi giá hồi phục, hãy bán cổ phiếu ra.

Còn một số tính chất quan trọng khác của hỗ trợ và kháng cự, nhất là khi kết hợp với phương pháp phân tích VPA, sẽ được chúng tôi gửi đến trong các khóa học chuyên sâu.

Để nhận được các khuyến nghị cổ phiếu chuyên sâu, xác định điểm mua/bán, giá mục tiêu và giá cutlost Quý nhà đầu tư vui lòng liên hệ với các chuyên gia của Đầu Tư Xu Hướng theo một trong các cách sau:

- KÊNH ĐĂNG KÝ MỞ TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN VÀ TƯ VẤN: TẠI ĐÂY
- Livechat ở bên góc phải màn hình.
- Hotline: 0985.839.385
- Skype: dautuxuhuong
- Email:  [email protected]
- Fanpage: www.fb.com/dautuxuhuong/

Thành Nam IFT

Bình luận

Thông báo!Phần này chỉ thành viên mới có quyền bình luận bài viết. Đăng nhập