Nhận định thị trường ngày 20/10/2016

I. Nhận định thị trường

1.1. Điểm nhấn giao dịch ngày 19/10/2016;

Thanh khoản thị trường cải thiện rõ nét trong phiên hôm nay xuất phát bởi lực cầu thị trường từ nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng. Chỉ số thị trường tăng mạnh trong phiên sáng và duy trì đến cuối phiên giao dịch chiều. Nhóm trụ đồng loạt hồi phục về mặt điểm số và khối lượng kéo chỉ số thị trường tăng và tiến khá sát ngưỡng kháng cự 690 trong phiên. Trái ngược với phiên giao dịch ảm đạm trước đó, nhóm cổ phiếu trụ quay trở lại tăng đồng đều, trong đó ROS(+3.80), VNM(+2.00), BVH(+1.00), VIC(+0.90), BID(+0.70), GAS(+0.60), HPG(+0.55), CTG(+0.30), VCB(+0.25), khá tích cực đối với một số cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng, đặc biệt SHB trên sàn HNX bất ngờ tăng trần và khối lượng giao dịch khủng đạt gần 11 triệu cổ phiếu, lớn nhất sàn. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-index tăng 6.87 điểm, đạt 688.89 điểm, tương ứng tăng 1.01%. Hầu hết các chỉ số thị trường hồi phục mạnh, đặc biệt là chỉ số nhóm vốn hóa lớn Largecap, ở chiều ngược lại nhóm Midcap điều chỉnh nhẹ.

1.2. Nhận định thị trường ngày 20/10/2016

Vnindex ngày 19/10/2016 Vnindex ngày 19/10/2016[/caption]

Chỉ số thị trường vận động trồi sụt từ đầu tuần, tuy nhiên tâm lý trở nên tích cực trong phiên hôm nay và thoát khỏi sự giao dịch ảm đạm của 2 phiên trước đó. Khối ngoại quay trở lại mua ròng nhẹ về mặt giá trị trong phiên hôm nay cũng là sự hỗ trợ cần thiết cho vận động thị trường chung. Tuy nhiên, thị trường chưa xác lập một xu hướng rõ ràng trong giai đoạn này khi chưa thể thoát khỏi vùng giá tích lũy, rủi ro thị trường chung cũng có thể xảy ra nếu nhóm cổ phiếu trụ đỡ quay lại xu hướng giảm điểm. Khuyến nghị nhà đầu tư cẩn trọng đối với những điều chỉnh bất thường của thị trường có thể xảy ra trong vùng giá tích lũy 680-690 điểm.

II. Nhận định các Nhóm ngành

2.1.Các mã ngân hàng nhìn chung tăng hôm nay dẫn đầu là VCB; BID và CTG. STB và ACB cũng tăng trong khi EIB & MBB đóng cửa tại tham chiếu.

Tin ngành/tin đồn trong ngành – Cổ phiếu ngân hàng tăng trước một số thông tin chưa được xác nhận và trên thực tế ít có khả năng xảy ra – HSC cho rằng những tin đồn này nói chung có những điểm không có cơ sở - Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh hôm nay trước những tin đồn trên thị trường về 3 vấn đề (1) khả năng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho ngành ngân hàng; (2) khả năng nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2016 và (3) tin đồn về khả năng nới room cho ngành ngân hàng (hiện đang là 30%).

Theo đó, giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng từ 0,34% đến 2,5% trước tổng hợp các tin đồn trên. Giá cổ phiếu ngân hàng có thành tích kém trong 12 tháng qua sau khi tăng mạnh trong năm 2015 (trong đó những mã như BID (Kém khả quan) và CTG (Nắm giữ) đã tăng giá hơn gấp đôi trong năm 2015). Kể từ đó, ngoại trừ VCB tăng 15,3% so với đầu năm thì các mã ngân hàng còn lại giảm giá. Điều này là do tổng hợp các yếu tố: định giá cao hơn ngân hàng cùng ngành trong khu vực; triển vọng lợi nhuận của nhiều ngân hàng không mấy sáng sủa trong khi những ngân hàng này lại cần nhanh chóng tăng vốn.

Để đánh giá xem liệu các tin đồn trên có thể trở thành sự thật hay không, chúng tôi đã liên hệ với nhiều nguồn và HSC cho rằng khả năng này trong ngắn hạn hiện là rất thấp.

(1) Việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ là tín hiệu tăng cường thanh khoản mạnh mẽ cho thị trường – HSC cho rằng thanh khoản hiện nay đang dồi dào, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát đang tăng dần – Do đó nếu giảm tỷ lệ DTBB thì có thể sẽ phát đi một thông điệp không phù hợp – Chức năng chính của tỷ lệ dự trữ bắt buộc là làm một công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát mức độ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng (bằng việc điều chỉnh tỷ lệ này).

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng được coi là đệm thanh khoản hữu hiệu vì các NHTM sẽ phải để một phần tiền huy động của mình tại NHNN. Nếu giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì thanh khoản trong hệ thống sẽ tăng lên. Và việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã được NHNN sử dụng trước đây muốn giảm lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng. Hiện tại ở một số nước phát triển, NHTW có thể áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc rất thấp cho ngành ngân hàng, đặc biệt là nếu lạm phát ở mặt bằng thấp.

Từ đó, đệm thanh khoản của hệ thống ngân hàng đó cũng sẽ rất mỏng, và thay vào đó NHTW sẽ giảm bớt rủi ro thanh khoản tại các NHTM (nếu có) thông qua các nghiệp vụ thị trường mở (OMO). Tuy nhiên tại Việt Nam, tỷ lệ lạm phát thường khá cao, và việc quản lý rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng chưa thật sự đạt trình độ chuyên nghiệp, do đó vai trò của tỷ lệ dự trữ bắt buộc có vai trò quan trọng hơn nhiều. Và đây lý do trước đây NHNN thường không muốn điều chỉnh tỷ lệ này quá thường xuyên.

HSC cho rằng việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc là không cần thiết và có lẽ thậm chí còn phản tác dụng ở trong tình hình hiện nay. Mức độ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng có thể đánh giá rõ nhất thông qua mặt bằng lãi suất hiện tại so với trước đây. Và ở đây có thể sử dụng (1) lãi suất qua đêm liên ngân hàng; (2) lãi suất huy động bình quân tại một số NHTM.

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng hiện ở vào khoảng 0,45% trong khi đầu năm là 5,04%. Lãi suất qua đêm biến động trong biên độ từ 0,45% đến 13,5% trong 5 năm qua với lãi suất bình quân ở vào khoảng 5,25%. Hiện lãi suất qua đêm đang ở cận dưới của biên độ biến động trung dài hạn. Điều này cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng hiện đang rất dồi dào.

Về lãi suất huy động bình quân tại một số NHTM, trong báo cáo khảo sát lãi suất hàng tháng của mình, chúng tôi thấy rằng tại thời điểm cuối tháng 9, lãi suất huy động bình quân giảm 0,06% so với cuối tháng 8 xuống còn 6,05%. Và đáy 5 năm của lãi suất huy động bình quân là 5,69% và biên độ biến động trong thời gian này là từ 5,69% đến 13,55%. Và hiện lãi suất huy động bình quân đang ở sát đáy, thường ở vào thời kỳ thanh khoản dồi dào. Tốc độ tăng CPI theo năm tăng từ mức đáy là 0% trong tháng 9 và tháng 10 năm 2015 lên 3,34% vào tháng trước và có vẻ sẽ còn tăng tiếp lên khoảng 4-5% vào cuối năm. Lạm phát tăng tốc là xu hướng diễn ra trên toàn thế giới trong những tháng gần đây do giá hàng hóa cơ bản tăng và điều này đã tạo đáy cho lãi suất huy động (chúng tôi thấy trước đây tốc độ tăng CPI theo năm và lãi suất huy động bình quân thường chênh nhau 0,14%).

Nếu mục tiêu chính là để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thì việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có lẽ không phải là cách tốt – Trước tình hình như hiện nay, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể khiến lãi suất qua đêm và lãi suất huy động giảm xuống mức quá thấp mà không chắc sẽ giúp tín dụng tăng trưởng mạnh hơn. Hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc của (a) VND là 3% đối với kỳ hạn huy động dưới 1 năm; 1% với kỳ hạn trên 1 năm và (b) USD và ngoại tệ khác là 8% đối với kỳ hạn huy động dưới 1 năm; 6% với kỳ hạn trên 1 năm.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với huy động VNĐ giảm lần cuối vào năm 2009 theo Quyết định 379/QĐ-NHNN ban hành ngày 24/02/2009 và có hiệu lực từ tháng 03/2009, trong đó;

- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền đồng đối với kỳ hạn huy động dưới 1 năm giảm từ 5% năm 2008 xuống 3%.

- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền đồng đối với kỳ hạn huy động trên 1 năm giảm từ 2% năm 2008 xuống 1%.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức cao nhất trong giai đoạn 2007-2009 khi lạm phát tăng phi mã. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc bình quân tiền đồng ở vào khoảng 5%-7% cho kỳ hạn dưới 1 năm và 2%-3% cho kỳ hạn trên 1 năm.

Dù vậy, chúng tôi cũng thử xem xét về ảnh hưởng có thể từ giả thuyết cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc – Chúng tôi ước tính nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với VNĐ giảm một nửa, lợi nhuận ngành ngân hàng có thể tăng thêm 1 nghìn tỷ đồng – Chẳng hạn, nếu áp dụng các giả định sau đây trong ước tính lợi nhuận của các ngân hàng khi giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc:

1. Tốc độ tăng trưởng bình quân của huy động khách hàng trong năm 2016 là 15% từ 5.096 nghìn tỷ đồng huy động khách hàng cuối năm 2015.

2. 90% tổng huy động khách hàng là huy động bằng tiền đồng (đây là tỷ lệ bình quân theo quan sát ở các ngân hàng).

3. 90% huy động bằng tiền đồng có kỳ hạn ít hơn 1 năm (đối với huy động kỳ hạn này, NHNN hiện áp dụng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc là 3%).

4. Chúng tôi giả định hầu hết các ngân hàng sẽ cho vay liên ngân hàng đối với phần tiền nhàn rỗi từ việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với kỳ hạn 1 tháng và với lãi suất bình quân là 1,4%/năm thay vì có thể cho vay khách hàng.

5. Và ngân hàng có thể sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi từ liên ngân hàng này để thay thế cho việc phải huy động một khoản tiền tương ứng từ thị trường 1 mà không phát sinh chi phí gì thêm.

Hiện tại, chúng tôi ước tính tổng tiền mặt yêu cầu cho dữ trữ tại NHNN là; 5.096 nghìn tỷ đồng x 115% x 90% x 90% x 3% = 142 nghìn tỷ đồng. Do đó, giả sử NHNN giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho tiền đồng xuống còn 1,5% -> hệ thống ngân hàng sẽ chỉ cần dự trữ khoảng 71 nghìn tỷ đồng tại NHNN và vì vậy sẽ có 71 nghìn tỷ đồng nhàn rỗi. Lượng tiền này có thể được giả định là sẽ thay thế cho việc phải huy động 71 nghìn tỷ đồng từ thị trường 1. Do đó, đã giúp hệ thống ngân hàng tiết kiệm được một khoản chi phí phát sinh từ việc phải huy động 71 nghìn tỷ đồng với kỳ hạn 1 tháng và lãi suất khoảng 5%/năm. Do đó, chênh lệch lãi suất thực tế ở đây là 5% và tương ứng với 3,55 nghìn tỷ đồng, hoặc tương đương với khoảng 7,5% lợi nhuận trước thuế ước tính năm 2016.

Tuy nhiên, kiểm soát tỷ lệ LDR và tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thực tế rất quan trọng đối với các ngân hàng, do đó, chúng tôi nhấn mạnh rằng con số nêu trên là một con số hoàn hảo đi kèm với rất nhiều giả thiết. Trong thực tế, lợi nhuận mà các ngân hàng có thể gia tăng từ việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ nhỏ hơn rất nhiều.

Vì vậy, việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể tạo sự khác biệt đáng kể trong lợi nhuận ngân hàng. Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập, khả năng cho một sự cắt giảm là rất thấp. Tuy nhiên, đã có quy định cho phép các ngân hàng riêng lẻ có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nếu được Thống đốc NHNN phê duyệt – Theo đó, chúng tôi cho rằng khả năng cho một sự cắt giảm chung là thấp hơn – Những yêu cầu đối với tỷ lệ dự trữ được quy định tại Nghị định 23/2015/TT-2015 ban hành ngày 04/12/2015 và chính thức được triển khai từ ngày 28/1/2016.

Theo Nghị định, NHNN có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với một ngân hàng mà không cần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung cho toàn ngành ngân hàng. Có hai sự thay đổi lớn trong Nghị định 23 so với những quy định trước đó, cụ thể như sau:

• Thống đốc NHNN có thể điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc tối thiểu về 0% đối với một ngân hàng đang bị giám sát đặc biệt.

• Thống đốc NHNN có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với một ngân hàng đang tiến hành tái cơ cấu theo kế hoạch được phê duyệt hoặc ngân hàng đang hỗ trợ các ngân hàng khác thực hiện tái cấu trúc.

Yêu cầu hiện hành đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng như sau – (a) Đối với tiền đồng – 3% đối với huy động kỳ hạn ít hơn 1 năm, 1% đối với huy động kỳ hạn trên 1 năm, và (b) Đối với USD và các ngoại tệ khác: 8% đối với huy động kỳ hạn ít hơn 1 năm, 6% đối với huy động kỳ hạn trên 1 năm. Các ngân hàng nằm trong các trường hợp đặc biệt kể trên, bao gồm các ngân hàng đang được giám sát đặc biệt, các ngân hàng đang thực hiện tái cấu trúc theo phương án được NHNN phê duyệt và các ngân hàng tốt đang hỗ trợ các ngân hàng khác thực hiện tái cấu trúc có thể bao gồm rất nhiều ngân hàng trong hệ thống. Và thực tế, một số ngân hàng có thể đã được phép giảm dự trữ bắt buộc so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc yêu cầu vì những lý do trên. Vì vậy, trong khi NHNN có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong các trường hợp cụ thể, thì chúng tôi ngờ rằng khả năng cơ quan này muốn hoặc cần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung cho cả hệ thống là không lớn.

(2) Việc tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng vượt mục tiêu hiện tại là 18-20% trên thực tế khó có thể đạt được do những trở ngại về vốn đối với một số ngân hàng quan trọng như CTG & BID – Tăng trưởng tín dụng đến hiện tại ước tính là 11,74% so với mục tiêu cả năm là 18-20%. Hiện tại, với thực tế là tháng 12 đóng góp quan trọng cho tăng trưởng tín dụng cả năm, mức tăng trưởng tín dụng hiện tại cho thấy mục tiêu 18-20% là có thể đạt được. Dĩ nhiên, tin đồn trên thị trường hôm nay là mục tiêu này có thể sẽ được điều chỉnh tăng lên. Và chúng tôi vẫn tỏ ra hoài nghi với khả năng này.

Kết quả khảo sát hệ thống ngân hàng cho thấy việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hơn nữa là có thể nhưng với thực tế một số ngân hàng chủ chốt đang tăng trưởng tín dụng chậm hơn, chúng tôi hoài nghi về khả năng này – Hiện tại, một khảo sát gần đây của NHNN cho biết ngành ngân hàng có thể vượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016, là 18-20%. Tại thời điểm chúng tôi đưa ra nhận định này và theo quan sát thấy (1) mặc dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng như ACB và MBB đã được điều chỉnh tăng, thì con số điều chỉnh tối đa chỉ có thể là 21% và (2) các ngân hàng quốc doanh lớn như BID & CTG, là những ngân hàng cho vay quyết liệt trong quá khứ, hiện trong tình thế phải đẩy mạnh tăng trưởng các tài sản sinh lãi khác ngoài tín dụng (ví dụ TPCP) do hệ số CAR thấp và hệ số LDR thuần rất cao.

Tình trạng tồi tệ hơn khi mà BID và CTG vẫn đang chờ đợi quyết định cuối cùng liên quan đến việc trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt hay cổ phiếu.

Chúng tôi hiểu rằng BID hiện có thể tích cực tăng vốn nhưng dù trong kịch bản khả quan nhất, ngân hàng này vẫn gặp phải những khó khăn trong việc hoàn thành toàn bộ các thủ tục giấy tờ liên quan trong năm nay.

(3) Nới room cho NĐTNN là vấn đề dài hạn và nhiều khả năng không thể thực hiện sớm – Nếu vấn đề nới room được phê duyệt, có thể là trong năm tới thì khi đó có thể sẽ được thực hiện đối với từng ngân hàng và trong trường hợp cần thiết – Tin đồn về nới room quay trở lại nhưng vẫn không có dấu hiệu về bất kỳ tiến triển nào liên quan đến vấn đề này. Dĩ nhiên, trong hiện tại, với việc CTG sẽ có nhiều khả năng đang tìm kiếm các cơ hội tăng vốn cấp 1 trong năm sau và room đã gần hết, vấn đề nới room vẫn luôn được cân nhắc. Tuy nhiên, HSC cho rằng việc nới room có thể được phê duyệt ngoại lệ cho CTG nếu quyết định này được cho là cần thiết. Trong khi đó, vấn giữ mức room cố định hiện tại đối với toàn hệ thống.

2.2. mã tài chính phi ngân hàng cũng tăng dẫn đầu là BVH tăng trong khi PVI đóng cửa tại tham chiếu. Cổ phiếu chứng khoán tăng dẫn đầu là SSI; HCM và VND;

2.3. Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng diễn biến trái chiều và tăng với VNM tăng dù MSN và KDC giảm. FPT và MWG tăng trong khi PNJ giảm.

2.4. Cổ phiếu dầu khí biến động trái chiều với GAS & PXS tăng dù PVD và PVS giảm.

2.5. Cổ phiếu ngành sản xuất biến động trái chiều và tăng với HPG; HSG và NKG tăng. BMP; CSM; RAL; STK và TMT cũng tăng trong khi DRC; DQC và PAC đóng cửa tại tham chiếu. EVE và HHS giảm.

2.6. Cổ phiếu BĐS biến động trái chiếu với VIC; NLG; BCI; CTD và KBC tăng. Trong khi CII; DIG; DXG; HBC; KDH và TDH giảm.

Tin cổ phiếu – Chủ tịch HĐQT NLG đăng ký mua 300.000 cổ phiếu – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG – Khả quan), ông Nguyễn Xuân Quang đã đăng ký mua thêm 300.000 cổ phiếu NLG. Và nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của ông Quang tại NLG sẽ tăng từ 20,5 triệu cổ phiếu tương đương 14,4% cổ phần lên 20,8 triệu cổ phiếu.

2.7. Cổ phiếu ngành nông nghiệp và thủy sản biến động trái chiều và tăng mặc dù HAG; HNG & VHC đóng cửa giảm. PAN đóng cửa tại tham chiếu. Tuy nhiên, BFC; DPM; BHS; GTN; VFG và SBT tăng.

2.8. Cổ phiếu ngành dược phẩm biến động trái chiều với IMP & TRA đóng cửa tại tham chiếu trong khi DHG tăng và DMC giảm.

KQKD 9T đầu năm – IMP công bố LNST 9 tháng đầu năm kém khả quan, giảm 9,76% so với cùng kỳ - Công ty Cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM (IMP – Khả quan) đã công bố KQKD 9 tháng đầu năm kém khả quan với doanh thu thuần là 644,33 tỷ đồng (tăng 2,24% so với cùng kỳ) nhờ một số khoản mục không thường xuyên và LNST là 63,68 tỷ đồng (giảm 9,76% so với cùng kỳ) do chi phí bán hàng tăng. Cổ phiếu đóng cửa tại tham chiếu hôm nay.

KQKD 9T đầu năm – DMC công bố LNST 9 tháng đầu năm tăng 27% so với cùng kỳ - Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) đã công bố KQKD 9 tháng đầu năm khả quan với doanh thu thuần đạt 897,5 tỷ đồng (tăng 4,2% so với cùng kỳ) và LNST đạt 127,73 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ) nhờ tỷ suất lợi nhuận gộp tăng khi tỷ trọng doanh thu của mảng thuốc thương mại giảm. Mặc dù KQKD Q3 khả quan, cổ phiếu DMC vẫn đóng phiên giảm nhẹ hôm nay.

2.9. Cổ phiếu ngành dịch vụ tiện ích, logistic và vận tải biến động trái chiều với VNS & VSH tăng. PPC & VSC đóng cửa tại tham chiếu. NCT; GMD và NT2 đóng phiên giảm hôm nay.

III. Tin vĩ mô

Về thông tin vĩ mô thế giới, Tổng cục Thống kê Trung Quốc đã công bố nhiều số liệu kinh tế trong ngày hôm nay. Số liệu quan trọng nhất là GDP Q3 tăng 6,7% so với cùng kỳ; xấp xỉ Q1 & Q2, đồng thời sát với kỳ vọng. Chính phủ Trung Quốc đã đạt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5-7%. Tăng trưởng đạt được nhờ ngành dịch vụ tăng 7,6% cho dù sản xuất công nghiệp cho thấy dấu hiệu tăng chậm lại. Đầu tư tài sản cố định vào nhà xưởng… tại khu vực nông thôn tăng 8,2% trong Q3; cao hơn một chút so với mức 8,1% của 8 tháng đầu năm.

Tổng cục Thống kê Trung Quốc còn công bố giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 6,1% so với cùng kỳ; thấp hơn một chút so với mức tăng 6,3% so với cùng kỳ của tháng 8. Doanh số bán lẻ tháng 9 tăng 10,7% so với cùng kỳ (tháng 8 là 10,6%). Thuế đối với mặt hàng ô tô giảm đã đẩy mạnh doanh số bán ô tô và giúp cho doanh số bán lẻ tăng. Trong tháng 9, doanh số bán nhà mới tại Trung Quốc tăng 61% so với cùng kỳ. Giá trị đạt 1,2 nghìn tỷ NDT (178 triệu USD), tăng 33% so với tháng liền trước.

Do cả chính quyền trung ương và địa phương đều đang lo ngại về thị trường BĐS nên trong những tuần gần đây đã có tổng cộng 21 thành phố áp dụng các biện pháp hạn chế mua bán và thắt chặt cho vay mua nhà nhằm hạ nhiệt thị trường. Mối quan hệ giữa thị trường BĐS và tăng trưởng tín dụng là rõ ràng vì cho vay mua nhà chiếm tới 60% các khoản cho vay mới trong Q3; tăng từ mức 47% trong Q2 và 23% trong Q1.

(nguồn công ty chứng khoán HSC)

Để nhận được các khuyến nghị cổ phiếu chuyên sâu, xác định điểm mua/bán, giá mục tiêu và giá cutlost Quý nhà đầu tư vui lòng liên hệ với các chuyên gia của Đầu Tư Xu Hướng theo một trong các cách sau:

- KÊNH ĐĂNG KÝ MỞ TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN VÀ TƯ VẤN: TẠI ĐÂY
- Livechat ở bên góc phải màn hình.
- Hotline: 0986.307.486 hoặc 0985.879.385
- Skype: dautuxuhuong
- Email:  [email protected]
- Fanpage: www.fb.com/dautuxuhuong/

IFT Admin

Bình luận

Thông báo!Phần này chỉ thành viên mới có quyền bình luận bài viết. Đăng nhập