Cơn sốt vàng những năm 2011 đẩy giá vàng lên kỷ lục và điều này mang lại không ít niềm vui cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Thời điểm đó, công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), một trong những tên tuổi lớn nhất trong ngành thậm chí đạt doanh thu hơn 111.000 tỷ đồng (hơn 5 tỷ USD) và đây cũng là con số kỷ lục trong lĩnh vực vàng bạc đá quý Việt Nam từ trước tới nay.
Đang ăn nên làm ra, việc giá vàng đột ngột lao dốc từ cuối năm 2011 cũng như NHNN siết chặt thị trường vàng miếng từ năm 2012 đã khiến hoạt động đầu cơ trở nên trầm lắng, ảnh hưởng trầm trọng đến tình hình kinh doanh của SJC. Năm 2014 là đỉnh điểm khó khăn của SJC khi chỉ đạt doanh thu hơn 16.000 tỷ đồng, chỉ bằng 15% so với giai đoạn đỉnh cao 3 năm trước.
Kể từ năm 2015 trở đi, hoạt động kinh doanh SJC đã dần hồi phục trở lại, nhưng doanh thu vẫn rất thấp so với năm 2011 do thị trường vàng miếng đã bị siết chặt hơn, cũng như biến động giá vàng không còn mạnh như trước, kéo theo hoạt động đầu cơ giảm sút.
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2017 được công bố cho biết doanh thu SJC đạt 22.950 tỷ đồng (1 tỷ USD), tăng 6% so với năm trước đó và cũng đánh dấu năm hồi phục thứ 3 liên tiếp. So với một tên tuổi lớn khác trong lĩnh vực vàng, bạc trang sức là PNJ thì doanh thu năm vừa qua của SJC cao gấp 2 lần.
PNJ doanh thu chỉ bằng một nửa SJC, nhưng lợi nhuận thu về gấp 11 lần
Mặc dù ngành kinh doanh vàng mang lại doanh thu rất lớn, tuy vậy lợi nhuận tạo ra là không quá nhiều, đặc biệt trong phân khúc vàng miếng. Thông thường, tỷ suất lợi nhuận của mảng kinh doanh vàng miếng tại Việt Nam chỉ trong khoảng 0,5%.
Tỷ suất lợi nhuận 0,5% tương đương với việc bán ra 1 lượng vàng 35 triệu đồng, các doanh nghiệp chỉ có lợi nhuận khoảng 175.000 đồng. Để có được 1 tỷ đồng lợi nhuận thì doanh số phải đạt 200 tỷ đồng.
Với đặc thù biên lợi nhuận mỏng, cũng như nhu cầu tích trữ vàng của người dân không còn quá nóng như trước nên hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng hiện có xu hướng thâm nhập sâu hơn vào thị trường vàng trang sức, kim cương bởi đây là những sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn rất nhiều.
Hiện tại, phần lớn doanh thu của SJC vẫn đến từ mảng vàng miếng, trong khi tỷ trọng kinh doanh vàng trang sức vẫn khá thấp. Do đó, không bất ngờ khi lợi nhuận mà doanh nghiệp này thu được là rất mỏng.
Doanh thu SJC lớn hơn PNJ nhưng lợi nhuận thua xa
Năm vừa qua, mặc dù SJC đạt doanh thu lên tới 22.950 tỷ đồng nhưng lãi gộp (doanh thu – giá vốn) của doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn 173 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lãi gộp vỏn vẹn 0,8%. Suốt nhiều năm qua, SJC chưa khi nào đạt tỷ suất lãi gộp trên 1%.
Trong khi đó, PNJ đã có những thay đổi lớn trong chiến lược kinh doanh khi ngày càng hạ tỷ trọng vàng miếng để tập trung vào những mảng có biên lợi nhuận cao hơn nhiều là vàng, bạc trang sức, đồng hồ và điều này đã giúp hiệu quả kinh doanh cải thiện đáng kể.
Năm 2017, doanh thu PNJ đạt doanh thu gần 11.000 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với SJC nhưng lãi gộp công ty lên tới 1.912 tỷ đồng, gấp 11 lần SJC, tương ứng tỷ suất lãi gộp 17,4%. Trong quý 1 vừa qua, biên lãi gộp PNJ tiếp tục tăng mạnh lên gần 19% cho thấy hiệu quả to lớn từ việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ vàng miếng sang trang sức.
Nguồn: Trí thức trẻ
Để nhận được các khuyến nghị cổ phiếu chuyên sâu, xác định điểm mua/bán, giá mục tiêu và giá cutlost Quý nhà đầu tư vui lòng liên hệ với các chuyên gia của Đầu Tư Xu Hướng theo một trong các cách sau:
- KÊNH ĐĂNG KÝ MỞ TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN VÀ TƯ VẤN: TẠI ĐÂY
- Livechat ở bên góc phải màn hình.
- Hotline: 0986.307.486 hoặc 0985.879.385
- Skype: dautuxuhuong
- Email: [email protected]
- Fanpage: www.fb.com/dautuxuhuong/