HSC Research: Báo cáo tóm tắt ngành Ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng đạt 7,88% hay thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy KQKD 6 tháng đầu năm của các ngân hàng có vẻ rất khả quan. Trong khi đó định giá cũng đã giảm rất nhiều.

Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 7,88% so với mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoài là 9,06%.

Chúng tôi nâng hạng đánh giá cao hơn mặt bằng thị trường đối với ngành ngân hàng. Tín dụng tăng chậm lại phản ánh sự thận trọng từ phía NHNN đối với cung tiền M2 và cho vay mới do lạm phát đang tăng tốc. Ổn định lạm phát và tỷ giá trở thành những mục tiêu được ưu tiên hơn. Do đó, hạn mức tín dụng sẽ được phân bổ nghiêm ngặt. Trên thực tế thì tỷ trọng rủi ro cao hơn áp dụng cho các khoản cho vay BĐS tăng cùng với hệ số CAR thấp ở một số ngân hàng lớn như BID và CTD cũng làm chậm lại tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, triển vọng lợi nhuận 6 tháng đầu năm của hầu hết các ngân hàng rất khả quan với dự báo LNTT tăng trưởng 50%-150% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ tỷ lệ NIM tăng và đóng góp từ các dòng thu nhập ngoài lãi cao hơn; chi phí dự phòng giảm và các khoản lợi nhuận không thường xuyên tăng tốt. Trong khi đó, sau khi điều chỉnh mạnh trong Q2, định giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã trở lại vùng giá hấp dẫn.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm giảm tốc nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái – Điều này phản ánh quan điểm thận trọng hơn của NHNN về (1) hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, trong năm nay là 17% so với hạn mức ban đầu của năm ngoái là 18% và (2) M2 tăng thấp hơn dự kiến, ước tính đã tăng 7,96% tính đến ngày 20/6 (cùng kỳ năm ngoái: 6,75%). NHNN tỏ ra lo ngại lạm phát tăng tốc và sự giảm giá của tiền đồng có thể ảnh hưởng đến môi trường lãi suất thấp hiện tại. Và cơ quan quản lý cho rằng thận trọng hơn trong cho vay cùng với giảm tốc độ tăng trưởng M2 là giải pháp đầu tiên để ngăn chặn rủi ro này.

Do lạm phát tăng tốc – Lạm phát tính đến tháng 6 là 4,67%, cao hơn một chút so với dự báo của chúng tôi là 4,3% trong khi đó đến cuối tuần trước, tỷ giá đã tăng 1,4% so với đầu năm trên thị trường liên ngân hàng và tăng 1,87% trên OTC, sát mục tiêu không chính thức là tăng 2%. Các cơ quan chức năng đã thực hiện một số giải pháp để kiềm chế lạm phát như tạm ngừng tăng giá điện cho đến cuối năm. Và cũng có thể trì hoãn hoặc giảm một số phí dịch vụ công khác. Điều này phản ánh những lo ngại về lạm phát do chi phí đẩy. Do đó, Tổng Cục thống kê và Phòng quản lý giá của Bộ Tài chính dự báo CPI tháng 7 có thể giảm 0,2% so với tháng liền trước do dự báo phí dịch vụ y tế giảm 0,34% so với tháng liền trước và giá nhiên liệu cũng giảm 1% so với tháng liền trước. Từ dự báo này có thể hiểu rằng ưu tiên hàng đầu hiện tại là hạ nhiệt lạm phát để duy trì môi trường lãi suất thấp hiện tại thêm một thời gian nữa.

Đây là yếu tố cần quan tâm do tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào môi trường chính sách tiền tệ chung. Trong năm nếu áp lực lạm phát có vẻ thấp, NHNN thường linh hoạt hơn với những ngân hàng có cơ cấu tài sản tốt và mong muốn nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong Q3. Tuy nhiên, trong bối cảnh như hiện tại, NHNN có thể sẽ thận trọng hơn.

 Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng tín dụng đạt 18% trong năm nay – Trong báo cáo chiến lược công bố vào tháng 1 của chúng tôi, HSC dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay đạt 18% (so với mức tăng trưởng sau điều chỉnh là 19% trong năm 2017) và dự báo tăng trưởng M2 là 16%. Chúng tôi giữ nguyên dự báo này trong hiện tại. Tuy nhiên, nếu CPI hướng đến tăng 5% so với cùng kỳ và tỷ giá tăng hơn 2%, chúng tôi dự báo NHNN sẽ thận trọng hơn nữa với tăng trưởng M2 và tín dụng. Và cũng cân nhắc tăng một số lãi suất như lãi suất tiền gửi ngắn hạn.

HSC dự báo lợi nhuận 6 tháng đầu năm ngành ngân hàng sẽ tăng dao động từ 8%-150% so với cùng kỳ và do đó hoàn thành hơn 50% kế hoạch cả năm. Chúng tôi rất tự tin về dự báo này. Phần lớn các ngân hàng đều được dự báo sẽ tăng trưởng LNTT khoảng 50% so với cùng kỳ ngoại trừ CTG (tăng 8% so với cùng kỳ) và BID (tăng 32% so với cùng kỳ) tăng chậm hơn do hệ số CAR thấp cản trở tăng trưởng cho vay.

Trên thực tế thì đến hiện tại, VCB đã công bố KQKD sơ bộ với LNTT tăng 53% so với cùng kỳ trong khi đó hôm nay VIB cũng công bố LNTT 6 tháng đầu năm tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu cho thấy mùa KQKD khả quan cho ngành ngân hàng. Và điều này cũng cho thấy mặc dù tăng trưởng tín dụng giảm tốc một chút, các yếu tố khác như liệt kê trên đây vẫn giúp thúc đẩy lợi nhuận.

Các yếu tố khác như tỷ lệ NIM tăng và chi phí dự phòng giảm hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các ngân hàng – Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái sẽ không ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các ngân hàng. Do yếu tố này đã nằm trong giả định trước đó và các ngân hàng đang hưởng lợi từ (1) tỷ lệ NIM tăng nhờ lãi suất nhìn chung tăng; (2) các dòng thu nhập ngoài lãi tốt nhờ lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối trong môi trường biến động tỷ giá, phí dịch vụ tăng và thị trường chứng khoán khởi sắc trong Q1 cũng như việc bán 1 phần danh mục trái phiếu Chính phủ để hiện thực hóa lợi nhuận; (3) đóng góp từ gia tăng nguồn thu thanh lý các tài sản đảm bảo ngoại bảng đã được trích lập đầy đủ và xóa nợ; (4) ghi nhận lợi nhuận không thường xuyên từ chuyển nhượng cổ phần tại các ngân hàng khác như trong trường hợp của VCB; (5) đóng góp từ các thương vụ đại lý bảo hiểm như trong trường hợp của VPB Bank, TCB; (6) mở rộng mảng tài chính tiêu dùng với sự gia nhập của những tên tuổi mới như MBB và (7) chi phí dự phòng giảm khi nhiều ngân hàng hoàn thành trích lập dự phòng trái phiếu VAMC và nợ xấu tồn đọng.

Hệ số CAR thấp và tỷ trọng rủi ro cao ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận trong một số trường hợp nhất định – Triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng nhìn chung là rất khả quan bất chấp một số yếu tố tác động tới khả năng tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng. Các ngân hàng với hệ số CAR thấp như BID và CTG phải cẩn thận đối với việc mở rộng cho vay. Trong khi đó các ngân hàng với tỷ trọng cho vay BĐS cao như Techcombank sẽ đã phải giảm bớt tốc độ mở rộng của phân khúc cho vay này khi mà tỷ trọng cho vay BĐS của TCB đã tăng kể từ đầu năm nay. Một trở ngại khác đối với các ngân hàng là quy định giảm tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% tối đa vào cuối năm nay. Tuy nhiên bất chấp những khó khăn này, các ngân hàng vẫn đang hoạt động rất tốt, phản ánh;

• Chất lượng tài sản và công tác quản lý rủi ro tín dụng đã được cải thiện đáng kể. Nhờ vậy chi phí dự phòng giảm và tỷ lệ nợ xấu ổn định và ở mức thấp.

• Cơ cấu lợi nhuận linh hoạt hơn nhờ đóng góp từ các dòng thu nhập ngoài lãi cao hơn và phí dịch vụ ngân hàng tăng.

• Đóng góp từ các dòng thu nhập mới như hoa hồng bảo hiểm và tài chính tiêu dùng (ở các ngân hàng cỡ trung).

Định giá giảm về mức hợp lý hơn rất nhiều và gần mức thông thường dài hạn – Trong khi đó định giá cổ phiếu trong ngành đã giảm rất nhiều với P/B bình quân các ngân hàng đã niêm yết hiện là 1,77 lần so với mức đỉnh 2,8 lần trong một vài tháng trước. Lãi suất tăng nhìn chung được xem là yếu tố tích cực cho các ngân hàng nhờ giúp thúc đẩy tỷ lệ NIM và tăng lợi suất của nhiều các công cụ đầu tư khác như trái phiếu. Trong khi đó biến động tỷ giá cũng đem đến những tiềm năng lợi nhuận về đầu cơ tỷ giá. Dĩ nhiên yếu tố này cũng không còn tích cực nếu nền kinh tế suy yếu hay nếu tỷ lệ nợ xấu bất ngờ tăng mạnh. Tuy nhiên các ngân hàng vẫn có thể duy trì hoạt động ổn định nếu lạm phát và lãi suất tăng ở mức vừa phải và tăng dần theo thời gian.

Chúng tôi ưa thích HDBank (Khả quan) và VCB (Khả quan) do room còn hở và khi xuất hiện các lô cổ phiếu bán ra, chúng tôi cũng cân nhắc ACB; MBB; TCB và LienViet Postbank.

Nguồn: HSC Research Report

Để nhận được các khuyến nghị cổ phiếu chuyên sâu, xác định điểm mua/bán, giá mục tiêu và giá cutlost Quý nhà đầu tư vui lòng liên hệ với các chuyên gia của Đầu Tư Xu Hướng theo một trong các cách sau:

- KÊNH ĐĂNG KÝ MỞ TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN VÀ TƯ VẤN: TẠI ĐÂY
- Livechat ở bên góc phải màn hình.
- Hotline: 0986.307.486 hoặc 0985.879.385
- Skype: dautuxuhuong
- Email:  [email protected]
- Fanpage: www.fb.com/dautuxuhuong/

Quỳnh Anh-IFT

Bình luận

Thông báo!Phần này chỉ thành viên mới có quyền bình luận bài viết. Đăng nhập