Nhận định ngành – Tín dụng cuối tháng 9 tăng 12,9% so với đầu năm, tiếp tục tăng tốc so với cùng kỳ năm ngoái. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) ước tính đến hết tháng 9/2017, tín dụng tăng 12,9% so với đầu năm (cùng kỳ chỉ tăng 11,74%), tương đương tăng 19,47% so với cùng kỳ (9 tháng đầu năm ngoái tăng 16,89%).
Kết luận nhanh – Tín dụng tiếp tục tăng với tốc độ nhanh hơn năm ngoái. Chủ yếu là nhờ cho vay bằng USD phục hồi trong khi đó cho vay VND vẫn tăng ở tốc độ tương đương. Cho vay bổ sung vốn lưu động dường như là động lực tăng trưởng chính và phần lớn các khoản vay này có vẻ là cho các doanh nghiệp thương mại. Đây là tín hiệu tích cực từ quan điểm GDP và có thể cũng cho thấy sự tăng trưởng bền vững hơn so với sự tăng mạnh của cho vay bán lẻ như trong năm ngoái. Trong bất kỳ trường hợp nào thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng chính thức 21% có vẻ rất khả thi ở tốc độ hiện tại. Do chỉ riêng trong tháng 12, tăng trưởng tín dụng thường chiếm tới khoảng 20% tổng tín dụng cả năm. Tuy nhiên, với nợ xấu có xu hướng tăng trở lại và lạm phát tăng tốc, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn cũng kèm theo những rủi ro nhất định. Dù vậy, trong quan điểm ngắn hạn, điều này đảm bảo rằng các ngân hàng sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận trong năm nay.
Vì vậy để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng chính thức đã điều chỉnh là 21%, và chúng tôi cho rằng mục này là rất khả thi dựa nhờ tín dụng thông thường sẽ tăng mạnh trong tháng 12, thì cần khoảng 446 nghìn tỷ đồng cho vay mới bổ sung vào tổng dư nợ hiện tại, là 6.215 nghìn tỷ đồng trong quý cuối năm. So sánh với 3 tháng cuối năm 2016 và 2015 tín dụng lần lượt tăng thêm 303 nghìn tỷ đồng và 244 nghìn tỷ đồng.
Tín dụng ngắn hạn tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chung – Tín dụng ngắn hạn tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chung, cho thấy cho vay doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động và cho vay ngắn hạn khách hàng các nhân là động lực tăng trưởng. Cụ thể;
- Tín dụng ngắn hạn đến cuối tháng 9 tăng 15,7% so với đầu năm. So với 14% tại thời điểm cuối tháng 8.
- Trong khi đó tín dụng dài hạn tăng 10,6% so với đầu năm. So với 9.5% tại thời điểm cuối tháng 8.
Theo tỷ trọng, tín dụng ngắn hạn chiếm 46% tổng tín dụng (so với tỷ lệ 44,9% vào cuối năm 2016 và 45,9% cuối tháng 8) trong khi đó tín dụng dài hạn chiếm 54% (so với tỷ lệ 55,1% vào cuối năm 2016 và 54,1% cuối tháng trước).
Tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng cho vay trung dài hạn giảm nhẹ xuống 33,4% - Vẫn thấp hơn so với mức trần theo quy định của NHNN là 40%. Tuy nhiên vào tháng 8 NHNN đã nới thời hạn hạ trần tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng cho vay trung dài hạn vì thấy rằng một số ngân hàng (hầu hết là ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình) có tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng cho vay trung dài hạn cao hơn mức trần mới dự định áp dụng. Và việc áp dụng tỷ lệ mới như dự định ban đầu có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm. Chúng tôi thấy tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng cho vay trung dài hạn đã giảm nhẹ xuống 33,4% từ 34,5% tại thời điểm cuối năm 2016. Cho dù vậy một số ngân hàng có tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng cho vay trung dài hạn sát mức trần theo quy định hiện hành là 50% vẫn sẽ phải giảm tăng trưởng tín dụng và tái cơ cấu vốn huy động & cho vay trong 15 tháng tới nhằm đáp ứng quy định mới là:
- Tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng cho vay trung dài hạn tối đa là 45% vào đầu năm 2018.
- Tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng cho vay trung dài hạn tối đa là 40% vào đầu năm 2019.
Nhu cầu vay USD hồi phục sau khi giảm năm ngoái nhờ hoạt động xuất nhập khẩu sôi động hơn – Về cơ cấu đồng tiền cho vay thì:
- Tín dụng bằng đồng VND tăng 13% so với đầu năm và tăng 20,3% so với cùng kỳ; xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái (vào cùng thời điểm năm ngoái tín dụng bằng đồng VND tăng 12,88% so với đầu năm và tăng 20,1% so với cùng kỳ).
- Tín dụng bằng đồng USD tăng 12,9% so với đầu năm và tăng 13,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó vào cùng thời điểm năm ngoái tín dụng bằng đồng USD chỉ tăng 1,53% so với đầu năm và giảm 7,1% so với cùng kỳ).
Hoạt động cho vay USD hồi phục mạnh mẽ có vẻ là do nhu cầu nhập khẩu tăng với kim ngạch nhập khẩu tháng 9 tăng 27,3% so với cùng kỳ và tăng 23% so với đầu năm (kim ngạch nhập khẩu tháng 9 năm ngoái tăng 6,2% so với cùng kỳ và tăng 1,4% so với đầu năm).
Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,9% - Tỷ lệ nợ xấu 9 tháng đầu năm 2017 do UBGSTCQG công bố đã tăng lên 2,9% từ 2,48% trong 6 tháng đầu năm 2017 và 2,46% tại thời điểm cuối năm 2016. Mức này vẫn thấp hơn mức an toàn là 3% và tương đương có khoảng 180 nghìn tỷ đồng nợ xấu đang nằm trực tiếp trong hệ thống ngân hàng. Và còn khoảng 235 nghìn tỷ đồng nợ xấu VAMC đang nắm giữ. Nếu cộng cả 235 nghìn tỷ đồng nợ xấu do VAMC nắm giữ thì tỷ lệ nợ xấu là khoảng 6,4%.
Chúng tôi tiếp tục ưa chuộng cổ phiếu ngân hàng mặc dù hiện giá đã phản ánh phần lớn giá trị - Chúng tôi đánh giá ngành ngân hàng là Giữ nguyên tỷ trọng và ưa chuộng các cổ phiếu VCB; VPB; MBB và ACB. Chỉ số giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng 30,7% so với đầu năm và P/B dự phóng các ngân hàng niêm yết là 1,83 lần. HSC dự báo LNTT các ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng 21,7% và đạt 45,6 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi cũng dự báo LNTT năm 2018 tăng trưởng 19,9% và đạt 54,7 nghìn tỷ đồng; P/B dự phóng năm 2018 là 1,7 lần.
Chúng tôi cho rằng cổ phiếu HDBank và Techcombank sẽ được niêm yết trong vòng 3-6 tháng tới và tạo thêm các cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng niêm yết cho các nhà đầu tư. Chúng tôi nhận định kết quả kinh doanh tốt cho 2 ngân hàng này.
Tỷ lệ nợ xấu ước tính tăng trong những tháng gần đây là vấn đề đáng lưu tâm nhưng những vấn đề lớn hơn ở đây như xử lý nợ xấu và thiết lập thị trường thứ cấp để xử lý dứt điểm nợ xấu về cuối năm nay hoặc đầu năm sau đáng lưu tâm hơn.
Nguồn: HSC
Để nhận được các khuyến nghị cổ phiếu chuyên sâu, xác định điểm mua/bán, giá mục tiêu và giá cutlost Quý nhà đầu tư vui lòng liên hệ với các chuyên gia của Đầu Tư Xu Hướng theo một trong các cách sau:
- KÊNH ĐĂNG KÝ MỞ TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN VÀ TƯ VẤN: TẠI ĐÂY
- Livechat ở bên góc phải màn hình.
- Hotline: 0986.307.486 hoặc 0985.879.385
- Skype: dautuxuhuong
- Email: [email protected]
- Fanpage: www.fb.com/dautuxuhuong/