Cập nhật ngành ngân hàng, cổ phiếu VCB, STB, tin vĩ mô

Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng trong năm 2017 – Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc hôm nay cho biết sẽ sớm nâng tỷ lệ sở hữu NĐTNN vào đầu năm 2017; tuy vậy Thủ tướng không đưa ra tỷ lệ sở hữu nước ngoài mới và mốc thời gian cụ thể. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho biết chính phủ có thể bán toàn bộ cổ phần tại các ngân hàng yếu kém như Ocean Bank.

Vấn đề tăng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại các ngân hàng đã được cân nhắc trước đây nhưng động thái của Chính phủ lần này có vẻ cấp thiết hơn – đây không phải là lần đầu tiên đề xuất về thay đổi giới hạn tỷ lệ sở hữu cho NĐTNN trong hệ thống ngân hàng được đề cập. Tuy nhiên lần này chúng tôi thấy rằng vấn đề có vẻ đã trở nên cấp thiết hơn nhiều. Một số nguyên nhân tác động theo chúng tôi bao gồm;

(1) Room cho NĐTNN của CTG gần như đã đầy và Ngân hàng này cần tăng vốn trong năm nay – chúng tôi ước tính hệ số CAR của Vietinbank (CTG-Nắm giữ) vào thời điểm cuối năm 2016 chỉ là 10,3%. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện tại là 29,9% và room còn trống chỉ là 4,54 triệu cổ phiếu. Mặc dù có thể tăng vốn cấp 2 tới 13.000 tỷ đồng, Ngân hàng thực sự cần phải tăng vốn cấp 1 trong năm nay để đáp ứng yêu cầu của Basel 2. Theo mô hình dự báo lợi nhuận của HSC, chúng tôi giả định CTG cần bổ sung khoảng 5.500 tỷ đồng vốn cấp 1 trong năm nay.

(2) Quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng diễn ra chậm và cần được đẩy nhanh tiến độ - Sau hàng loạt các thương vụ sáp nhập được thực hiện trong năm 2015, quá trình tái cấu trúc ngân hàng đã chậm lại trong năm ngoái. Đồng thời, trên các phương tiện truyền thông từ những nguồn khác nhau bao gồm cả từ phía Chính phủ, xuất hiện nhiều nhận định về sự cần thiết phải tăng tốc quá trình này. Do đó, chúng tôi tin rằng trong năm nay, nhiều ngân hàng sẽ tiến hành tái cấu trúc. Trong vòng M&A trước, người mua là các ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, nguồn lực này gần như đã cạn kiệt và hiện chỉ còn rất ít ngân hàng trong nước còn khả năng thực hiện các thương vụ sáp nhập khác. Vì vậy, trên thực tế, đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đồng nghĩa rằng trong một số trường hợp chính phủ sẽ phải cho phép các ngân hàng nước ngoài trở thành cổ đông lớn.

Do đó, việc nới room, sáp nhập và tái cấu trúc ngành ngân hàng là những câu chuyện thực sự của năm nay - cùng với sự tăng trưởng lợi nhuận, trong năm nay ngành ngân hàng cũng sẽ được hỗ trợ bởi những chủ đề khác như vấn đề nới room, các thương vụ sáp nhập tiềm năng và quá trình tái cấu trúc chung của ngành và chúng tôi cho rằng những động lực này sẽ hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng trong 6 tháng đầu năm. Diễn biến trong ngành có vẻ tương tự năm 2015, ngoại trừ rằng trong năm nay cổ phiếu ngân hàng sẽ được hỗ trợ hơn từ các yếu tố căn bản và tiềm năng tăng trưởng sẽ dựa trên thực tế hơn. Nói cách khác, mặc dù vẫn bao gồm những yếu tố có tính đầu cơ, chúng tôi cho rằng sự thay đổi trong ngành chắc chắn đang diễn ra.

Truyền thông và lãnh đạo các ngân hàng cũng đã nhấn mạnh những vấn đề này – Đã có rất nhiều tin tức, bình luận từ lãnh đạo Sacombank và nhiều lãnh đạo ngân hàng cấp cao khác liên quan đến vấn đề nới room và các thương vụ sáp nhập tiềm năng trong ngành được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong những tuần gần đây và đây là dấu hiệu cho thấy chắc chắn chuyện gì đó đang diễn ra.

Chúng tôi ưa thích VCB; ACB và VIB. Và một số ngân hàng quy mô trung bình có chất lượng tốt sẽ niêm yết cổ phiếu trong năm nay – chúng tôi ưa thích VCB; ACB và VIB trong hệ thống ngân hàng hiện tại. Cổ phiếu MBB có định giá khá hấp dẫn, tuy nhiên giá cổ phiếu nhiều khả năng sẽ không thay đổi nhiều. BID & CTG có vẻ là những mã phù hợp cho đầu tư ngắn hạn và có khả năng sẽ tăng trong một vài tháng. Trong khi đó STB là một lựa chọn đầu tư khác đối với những NĐT chấp nhận nhiều rủi ro.

Chúng tôi cũng đang chờ đợi một số mã ngân hàng chuẩn bị niêm yết trên Upcom như HD Bank; OCB và có thể là Techcombank trước cuối năm nay. Sự gia tăng nguồn cung cổ phiếu không phải là điều lo ngại của chúng tôi do chỉ một phần nhỏ khối lượng cổ phiếu sẽ đổi chủ. Trong khi đó các ngân hàng tiếp tục tăng vốn, vvà iệc tăng vốn này sẽ bao gồm cả vốn cấp 1 (cổ phiếu) và vốn cấp 2 (trái phiếu) trong hầu hết các trường hợp.

Tin cổ phiếu – STB dự kiến niêm yết 400 triệu cổ phiếu hoán đổi với PNB cho thấy đã có tiến triển về khả năng có thể diễn ra một thương vụ M&A ở STB – HĐQT của Sacombank (HSX- Bán ra) đã thông báo sẽ lập hồ sơ xin niêm yết 400 triệu cổ phiếu hoán đổi với PNB trên HSX. Động thái này diễn ra sau hơn 1 năm trì hoãn đồng thời cho thấy có thể đã có diễn biến nội tại nào đó bên trong STB. HSC cho rằng đây là bước chuẩn bị cho khả năng thực hiện một thương vụ M&A ở STB.

Việc trì hoãn niêm yết là do STB sau sáp nhập đã không đáp ứng được điều kiện niêm yết – STB và PNB đã hoàn tất sáp nhập vào tháng 10/2015. Theo đó, STB đã phát hành 400 triệu cổ phiếu, trong đó 300 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông PNB (tỷ lệ hoán đổi là 1 cổ phiếu PNB lấy 0,75 cổ phiếu STB) và 100 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông Sacombank. Tuy nhiên số cổ phiếu này không được niêm yết do chưa đáp ứng được các yêu cầu cần thiết. Cụ thể, theo Thông tư 202/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, một công ty niêm yết sáp nhập với một công ty chưa niêm yết thì sau khi sáp nhập, công ty sáp nhập được niêm yết cổ phiếu phát hành để sáp nhập khi đáp ứng điều kiện: sau sáp nhập, công ty sáp nhập phải có ROE đạt từ (1) 5% trở lên hoặc (2) ROE dương và lớn hơn ROE của công ty đó trước khi thực hiện sáp nhập. Nếu không đáp ứng 2 yêu cầu trên, và đồng thời phần vốn phát hành thêm để hoán đổi làm phát sinh tăng không quá 50% vốn điều lệ trước khi phát hành thì ngân hàng phải đợi 1 năm để đăng ký niêm yết. Trên thực tế hiện chưa có BCTC kiểm toán năm 2015 nên STB chưa thể công bố tỷ lệ ROE theo báo cáo kiểm toán là cao hơn hay thấp hơn 5% và vẫn phải đợi suốt 1 năm qua. Vì vậy cho đến nay số cổ phiếu trên chưa thể niêm yết.

Điều này cho thấy BCTC kiểm toán năm 2015 có thể sắp được công bố và kết quả kiểm toán cũng sẽ không ảnh hưởng tới thủ tục niêm yết cổ phiếu mới – Điều đầu tiên có thể suy luận là BCTC kiểm toán năm 2015 có thể sắp được công bố. Và thời gian công bố BCTC kiểm toán năm 2015 liên quan đến việc có khả năng NHNN sắp phê duyệt đề án tái cấu trúc STB. Điều thứ hai có thể suy luận là kết quả của BCTC kiểm toán có lẽ thấp hơn so với BCTC chưa kiểm toán cho năm 2015. Tuy nhiên, sự khác biệt (nếu có) cũng sẽ không còn ảnh hưởng tới tiến độ niêm yết cổ phiếu mới của STB vì đã sau 1 năm kể từ cuối năm 2015. Chúng tôi suy đoán điều này vì quy định về ROE đề cập trên đây. ROE được tính toán dựa trên BCTC năm 2015 chưa kiểm toán là 5,64% trong khi năm 2014 cao hơn nhiều, là 12,56%. Do vậy, nếu STB không thể cung cấp báo cáo kiểm toán và tỷ lệ ROE trong BCTC kiểm toán không lớn hơn 5% thì theo quy định của Thông tư 202, số cổ phiếu phát hành để hoán đổi với PNB không được phép niêm yết. Hiện nay, với giả thiết về khả năng có thể sớm công bố báo cáo kiểm toán và thời hạn chờ 1 năm (trong trường hợp ROE không đạt yêu cầu) đã hết hạn, STB có thể đăng ký niêm yết cổ phiếu mới lên sàn HSX.

Tuy nhiên cho đến nay chúng tôi vẫn chưa có thông tin chi tiết về đề án tái cấu trúc STB – Hiện chưa có bất kỳ thông tin tổng quát nào liên quan đến đề án tái cấu trúc STB được NHNN phê duyệt. Tuy nhiên gánh nặng từ PNB là rất lớn và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đáng kể đến KQKD của STB. Trên thực tế, điều này đã thể hiện trên ước tính KQKD năm 2016 của STB. STB cho thấy KQKD năm 2016 của Ngân hàng sẽ kém khả quan, cụ thể như sau:

- Ngân hàng ước tính tăng trưởng cho vay khách hàng chỉ là 7% đạt 193 nghìn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng bình quân ngành là 18,71%.

- Tăng trưởng huy động khách hàng là 11,6% đạt 290 nghìn tỷ đồng, theo đó hệ số LDR chỉ là 66,13%.

- LNTT của Ngân hàng ước tính chỉ là 300 tỷ đồng (giảm 79,85% so với năm 2015). Do đó, tỷ lệ ROE giảm xuống chỉ là 1%.

- Chưa có thông tin chi tiết về chi phí dự phòng và tỷ lệ nợ xấu. Tuy nhiên, chúng tôi giả định rằng LN trước dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng là không quá lớn để có thể trích lập dự phòng nhiều trong năm 2016.

HSC dự báo LNTT của Ngân hàng năm 2017 chỉ là 297 tỷ đồng – Cho năm 2017, HSC giữ nguyên dự báo cho STB với mức lợi nhuận không đáng kể. Các giả định chính của chúng tôi bao gồm;

- Chúng tôi dự báo tăng trưởng cho vay khách hàng là 8% đạt 214 nghìn tỷ đồng

- Dự báo tăng trưởng huy động khách hàng là 4% đạt 303 tỷ đồng. Theo đó, hệ số LDR thuần là 70,62%.

- Chúng tôi dự báo tỷ lệ NIM là 2,04%, cao hơn dự báo ban đầu của chúng tôi cho năm 2016, là 1,92% nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân lịch sử do tác động từ thoái lãi dự thu.

- Do đó, thu nhập lãi thuần tăng trưởng 21,35% đạt 5.961 tỷ đồng.

- Giả định tổng thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 5,29% đạt 2.258 tỷ đồng và chi phí hoạt động tăng 11,34% so với năm 2016 lên 6.051 tỷ đồng.

- Tổng chi phí dự phòng tín dụng tăng 37,87% lên 1.870 tỷ đồng dựa trên giả định của chúng tôi rằng STB sẽ phải trích lập dự phòng trái phiếu VAMC trong 10 năm, so với thời gian thông thường là 5 năm. STB hiện sở hữu khoảng 14.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC.

- Do đó, LNTT sẽ là 297 tỷ đồng, với tỷ lệ ROE là 1,01%.

Tuy nhiên, dự báo của chúng tôi có thể được điều chỉnh dựa trên kết luận kiểm toán và sau đó là BCTC năm 2015 đã kiểm toán mà chúng tôi dự báo sẽ sớm được công bố. Đặc biệt là kế hoạch thoái dự thu và kế hoạch trích lập dự phòng trái phiếu VAMC.

Quan điểm đầu tư – Tiếp tục duy trì đánh giá Bán ra dựa trên các yếu tố căn bản. Giá cổ phiếu đã tăng mạnh do những đồn đoán có căn cứ về khả năng có NĐT sẵn sàng mua vào cổ phiếu với giá cao hơn, là khoảng 15.000đ/cp. Tuy nhiên, hệ thống đánh giá của chúng tôi dựa trên các yếu tố căn bản mà không phải là theo các đồn đoán thị trường. Do đó, mặc dù cổ phiếu có thể phù hợp cho các hoạt động kinh doanh lướt sóng, vẫn còn nhiều vấn đề phải cân nhắc trước khi chúng tôi có thể xem xét một mức xếp hạng đầu tư tiềm năng đối với cổ phiếu này. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn xem xét cẩn trọng khả năng có thể có NĐT muốn mua vào lượng cổ phiếu lớn và kỳ vọng rằng thương vụ này sẽ sớm có những thông tin rõ ràng hơn.

Tin cổ phiếu – Một số phương tiện truyền thông đưa tin thương vụ phát hành riêng lẻ của VCB cho GIC sẽ không thể thực hiện. Theo Bloomberg hôm nay, thương vụ mua cổ phiếu Vietcombank của GIC sẽ không thể tiến hành theo những điều khoản hiện tại. Chính phủ vẫn chưa đưa ra quyết định của mình trong khoảng nửa năm qua và giá phát hành đề xuất được dự đoán là thấp hơn thị giá. Trong bất kỳ trường hợp nào thì chúng tôi vẫn đợi thông báo chính thức do thông tin trên chưa được xác nhận.

Về tin vĩ mô, chúng tôi thấy có thông tin sau;

Phó Thống đốc xác nhận mục tiêu tăng trưởng tín dụng và cung tiền M2 năm 2017 lần lượt là 18% và 16-18%. HSC dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2017 đạt 16,9% và tăng trưởng cung tiền M2 đạt 17,5%.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã nhắc lại mục tiêu tăng trưởng cung tiền M2 năm 2017 là 16-18%; bằng năm 2016 nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7%. HSC dự báo tăng trưởng cung tiền M2 năm 2017 là 17,5% (năm 2016 ước tính là 17,88%). Một mặt, NHNN phải giúp kích thích tăng trưởng kinh tế và đảm bảo nguồn cầu mua trái phiếu do Kho bạc phát hành từ các ngân hàng thương mại. Mặt khác, NHNN phải kiểm soát tăng trưởng tiền cơ sở nhằm ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát. Theo đó cơ quan này sẽ phải thận trọng hơn trong năm 2016 vì hiện chênh lệch lãi suất giữa VND & USD đang nới rộng trong khi lạm phát toàn cầu tăng tốc.

Theo đó mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng giảm bớt. NHNN đã giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho 2017 xuống 18% từ 18-20% trong năm 2016. HSC thậm chí còn thận trọng hơn và dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2017 là 16,9% (năm 2016 ước tính là 18,71%). Một số ngân hàng có lẽ sẽ phải giảm bớt tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm vì tập trung vào việc tăng vốn. Trong khi đó tăng trưởng cung tiền M2 giảm tốc cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng.

(Nguồn: Công ty CP Chứng khoán TP.HCM)

Để nhận được các khuyến nghị cổ phiếu chuyên sâu, xác định điểm mua/bán, giá mục tiêu và giá cutlost Quý nhà đầu tư vui lòng liên hệ với các chuyên gia của Đầu Tư Xu Hướng theo một trong các cách sau:

- KÊNH ĐĂNG KÝ MỞ TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN VÀ TƯ VẤN: TẠI ĐÂY
- Livechat ở bên góc phải màn hình.
- Hotline: 0986.307.486 hoặc 0985.879.385
- Skype: dautuxuhuong
- Email:  [email protected]
- Fanpage: www.fb.com/dautuxuhuong/

IFT Admin

Bình luận

Thông báo!Phần này chỉ thành viên mới có quyền bình luận bài viết. Đăng nhập