HSC Research: Nhận định về ngành Ngân hàng

Chúng tôi giữ quan điểm tích cực đối với ngành nhờ triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao trong 2 năm tới và mặt bằng định giá đã hợp lý hơn sau khi thị trường điều chỉnh trong Q2.

Tin ngành – NHNN ban hành Chỉ thị số 04 nhằm kiểm soát chặt hơn tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Ảnh hưởng của chỉ thị là có nhưng nhiều khả năng sẽ không lớn. Duy trì quan điểm tích cực đối với ngành ngân hàng. Vài tuần trước, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 04 ngày 9/8/2018. Mục đích chính của Chỉ thị là hỗ trợ kiểm soát lạm phát bằng việc định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 một cách chặt chẽ hơn. Những điểm chính trong Chỉ thị là:

•    NHNN sẽ kiểm soát chặt hơn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay và sẽ không nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng dành cho từng NHTM, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt. Theo đó, chỉ những NHTM đang hỗ trợ các NHTM yếu kém hơn thực hiện tái cơ cấu mới được xem là đủ điều kiện được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng.

•    NHNN sẽ thanh tra những NHTM có tỷ trọng cho vay lớn đối với ngành BĐS, kinh doanh chứng khoán và cho vay tiêu dùng, cho vay dự án BOT và BT.

•    NHNN sẽ khuyến kích các NHTM tập trung cho vay ngành sản xuất và các ngành ưu tiên chẳng hạn như nông nghiệp, xuất nhập khẩu, DNNVV, ngành công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp công nghệ cao, bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chỉ thị này rõ ràng là nhằm hạn chế sự tăng tốc của CPI (đến thời điểm cuối tháng 7/2018, CPI đã tăng 2,13% từ đầu năm và tăng 4,46% so với cùng kỳ). Mục tiêu CPI chính thức của năm 2018 là chỉ tăng 4% so với cùng kỳ. Chúng tôi thấy rằng CPI thường tăng tốc vào nửa cuối năm vì lý do mùa vụ. Và cũng thấy rằng tỷ giá USD/VND đã tăng nhanh hơn bình thường. Do vậy lo ngại của NHNN theo chúng tôi là hoàn toàn có cơ sở.

Kết luận nhanh. Chỉ thị mới có vẻ cho thấy NHNN sẽ không nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các NHTM trong Q3 như thường làm. Tuy nhiên do mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 17% trong khi hạn mức dành cho các NHTM chủ yếu là 14% nên chúng tôi thấy NHNN vẫn còn dư địa để nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho những NHTM cụ thể mà không làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung. Ngoài ra, NHNN cũng đưa ra trường hợp ngoại lệ cho các NHTM sáp nhập với một NHTM thực hiện tái cơ cấu (HDBank là một trường hợp xem xét). Mức độ linh hoạt khi áp dụng Chỉ thị trong thực tế có lẽ sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng GDP Q3. Nếu GDP tăng trưởng tốt trong Q3 so với Q2 thì NHNN có lẽ sẽ triển khai thực hiện Chỉ thị một cách chặt chẽ hơn. Tuy nhiên nếu tăng trưởng GDP giảm tốc trong Q3 thì NHNN có thể sẽ linh hoạt hơn khi triển khai nhằm giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm.

Chúng tôi đã phân tích các kịch bản về khả năng ảnh hưởng của chính sách tăng trưởng tín dụng thắt chặt hơn đối với triển vọng lợi nhuận của các NHTM năm 2018. Nói chung chúng tôi thấy rằng ảnh hưởng nhiều khả năng là nhỏ. Chúng tôi thấy rằng nhiều NHTM đã có một số công cụ để giảm bớt ảnh hưởng của sự giảm tốc trong tăng trưởng tín dụng, chẳng hạn như tái cơ cấu các khoản vay hướng tới khách hàng có lợi suất cho vay cao hơn; giảm bớt tăng trưởng huy động; đẩy mạnh thu nhập HĐ dịch vụ và cắt giảm chi phí. Trong khi đó chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực đối với ngành nhờ triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao trong 2 năm tới và mặt bằng định giá đã hợp lý hơn sau khi thị trường điều chỉnh trong Q2. Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ có thông tin tích cực về kế hoạch tăng vốn của các NHTM như VCB và BID.

Chỉ thị có thể sẽ hạn chế tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm so với các năm trước – cho dù vậy Chỉ thị có lẽ sẽ không hạn chế tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm ở một số NHTM nhất định. Điều này là do giữa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành (17%, so với thực tế năm 2017 là 18,17%) cao hơn 3% so với hạn mức tăng trưởng tín dụng đang áp dụng cho từng NHTM (quanh 12%-14%, ngoại trừ hạn mức bổ sung dành cho những NHTM như HDBank vì ngân hàng này cho vay một số dự án ưu tiên).

Khả năng nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng có thể sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng GDP trong Q3. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cuối cùng có lẽ sẽ được ấn định vào cuối tháng 9 khi số liệu GDP Q3 được công bố. Nếu GDP vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cho dù tăng trưởng tín dụng đã giảm tốc thì NHNN có lẽ sẽ cảm thấy an toàn khi siết chặt hơn định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2018. Ngược lại nếu tăng trưởng GDP Q3 có dấu hiệu giảm tốc thì NHNN có thể sẽ phải nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM, hướng về mức 17%.

NHTM đã xem xét các kế hoạch phụ trợ trong trường hợp không được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng – nhiều NHTM niêm yết đã có mức tăng trưởng cho vay cao hơn bình quân trong 6 tháng đầu năm 2018, chẳng hạn như:

•    VCB – tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là 11,52%

•    CTG: tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là 9,7%

•    MBB: tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là 11,2%

•    HDbank: tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là 16,18%

•    ACB: tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là 11,79%

•    STB: tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là 10,6%

•    LPB: tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là 13,82%

Theo đó, có vẻ như tín dụng tại những NHTM trên sẽ không thể tăng trưởng nhiều trong nửa cuối năm trừ khi NHNN nới hạn mức lên trên 14%. Tuy nhiên những ngân hàng này còn có một số phương án có thể sử dụng để giảm bớt ảnh hưởng từ Chỉ thị trên:

•    Tái cơ cấu các khoản vay – Các NHTM trên có thể tái cơ cấu các khoản vay theo hướng chuyển một số khoản vay lợi suất thấp đáo hạn sang các khoản vay lợi suất cao hơn. NHTM có thể bán bớt một số các trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường hoặc bán cho các công ty chứng khoán/công ty bảo hiểm để tạo thêm dư địa cho vay khách hàng. Hoặc bán một phần dư nợ cho vay cho các NHTM khác có mức tăng trưởng chậm hoặc Công ty quản lý tài sản của các NHTM khác.

•    Áp dụng lãi suất cho vay cao hơn và lãi suất tiền gửi thấp hơn để đẩy mạnh tỷ lệ NIM – một lựa chọn khác là đẩy mạnh tỷ lệ NIM bằng cách áp dụng lãi suất cho vay cao hơn đối với một số khách hàng đi vay và lãi suất nhận tiền gửi thấp hơn. Khả năng giảm lãi suất tiền gửi là có thể nếu tín dụng tăng chậm lại thì nhu cầu tăng huy động cũng giảm theo. Tuy nhiên, dư địa để tăng tỷ lệ NIM là hạn chế.

•    Đẩy mạnh các nguồn thu nhập ngoài lãi và cắt giảm chi phí hoạt động: Các ngân hàng có thể nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng các nguồn thu nhập ngoài lãi bằng cách tăng phí dịch vụ khách hàng và quyết liệt hơn trong mảng bán bảo hiểm. Đồng thời kiểm soát chi phí hoạt động nghiêm ngặt hơn.

•    Đăng ký hỗ trợ các ngân hàng yếu kém: Cuối cùng, một số ngân hàng có thể tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng thông qua M&A với các ngân hàng đang tiến hành tái cấu trúc hoặc bằng cách nỗ trợ các ngân hàng này trong công tác quản trị, huy động và bán chéo,…

Ảnh hưởng của Chỉ thị 04 nhiều khả năng sẽ ít hơn dự báo – Để xem xét những ảnh hưởng tiềm tàng của Chỉ thị này đối với lợi nhuận ngân hàng trong năm 2018, HSC đưa ra những giả định sau:

•    Chúng tôi giả định NHNN sẽ không điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho bất cứ ngân hàng nào.

•    Chúng tôi cũng giả định mỗi ngân hàng sẽ duy trì hệ số LDR ở mức như dự báo ban đầu của chúng tôi.

•    Do đó, với hệ số LDR cố định, mục tiêu tăng trưởng tiền gửi khách hàng của các ngân hàng sẽ giảm, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn. 

•    Chúng tôi giả định mỗi ngân hàng sẽ không tăng lãi suất cho vay hay giảm lãi suất tiền gửi.

•    Chúng tôi giả định tất cả các chỉ số khác không đổi, như tỷ lệ nợ xấu sau xử lý, chi phí hoạt động, tổng thu nhập ngoài lãi, chi phí hoạt động.

•    Tuy nhiên, với tỷ lệ nợ xấu sau xử lý ổn định, mỗi ngân hàng sẽ trích lập dự phòng ít hơn nếu mức dư nợ nhỏ hơn.

Dựa trên những giả định này, chúng tôi nhận thấy theo mô hình dự báo lợi nhuận cho mỗi ngân hàng, không có sự thay đổi đáng kể đối với thu nhập lãi thuần và LNTT cho năm 2018.

Tuy nhiên, kết quả thực tế có thể khác với những ước tính về mặt lý thuyết. Dự báo của chúng tôi dựa trên những giả định đơn giản đối với hệ số LDR, theo đó thu nhập lãi thuần ổn định (và tỷ lệ nợ xấu cố định dẫn đến chi phí dự phòng giảm). Tuy nhiên, vẫn tồn đọng một số vấn đề đối với hai giả định này, cụ thể:

•    Nhiều ngân hàng sẽ không muốn ngừng tăng trưởng huy động khách hàng. Do đó, các ngân hàng sẽ lựa chọn duy trì tăng trưởng cho vay khách hàng ở mức khiêm tốn hơn trong 6 tháng cuối năm thay vì ngừng hoặc giảm huy động. Vì vậy, tỷ lệ NIM thực tế sẽ giảm nhẹ.

•    Với tỷ lệ nợ xấu ổn định, khi mức dư nợ nhỏ, thì mức chi phí dự phòng cần trích lập cũng ít hơn. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào cơ cấu khách hàng của mỗi ngân hàng. Chẳng hạn, các DNNVV và khách hàng doanh nghiệp mặc dù vẫn cần tăng vốn huy động cho hoạt động kinh doanh hoặc hoàn thiện các dự án nhưng hiện gặp khó khăn khi không thể vay thêm nữa. Do đó, một khoản vay thông thường, hoặc thậm chí khoản vay tốt có thể trở thành nợ xấu nếu không có giải ngân đều đặn. Và rất khó để lượng hóa loại tác động này đến lợi nhuận của các ngân hàng.

HDB là trường hợp ngoại lệ với thương vụ M&A vẫn đang chờ phê duyệt – Theo Chỉ thị 04, các ngân hàng đang hỗ trợ các ngân hàng nhỏ/yếu kém khác trong quá trình tái cơ cấu trong năm 2018 sẽ được cân nhắc cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn. HDB hiện đang đợi phê duyệt nguyên tắc từ NHNN đối với kế hoạch sáp nhập với PGB.

Trong trường hợp khả quan nhất, nếu kế hoạch sáp nhập được thông qua trước Q4/2018, chúng tôi ước tính HDB có thể được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 30-40%. Và có 3 tháng để đạt được mức tăng trưởng này. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, nếu NHNN trì hoãn đưa ra phê duyệt chính thức, khi đó HDB có thể sẽ không có cơ hội để yêu cầu tăng hạn mức kịp thời trong năm 2018. Tuy nhiên, thậm chí trong trường hợp này, HDBank vẫn có thể hoàn thành kế hoạch bằng cách tăng kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho HDSaison hay tăng trưởng tiền gửi chậm lại.

Chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực đối với ngành ngân hàng – Chúng tôi cho rằng:

•    LNTT chung của các ngân hàng đã niêm yết mà chúng tôi theo dõi trong năm 2018 vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng 32,28%. Và tiếp tục tăng trưởng 22,52% trong năm 2019.

•    Chúng tôi cũng nhận thấy tiềm năng tăng đối với những giả định này cho một số ngân hàng nhờ (1) đóng góp từ thu hồi nợ xấu và bán tài sản đảm bảo; (2) thoái vốn tại các công ty con và các khoản đầu tư và (3) thu nhập ngoài lãi tăng nhờ doanh thu hoa hồng bán báo hiểm.

•    Cổ phiếu ngân hàng hiện đang giao dịch với giá thấp hơn 20%-30% mức cao của năm.

•    Trong khi đó định giá bình quân ngành hiện tại là P/B 2,1 lần, giảm từ mức đỉnh là 2,8 lần.

•    Một số ngân hàng như VCB và BID có thể hoàn tất các kế hoạch tăng vốn đã trì hoãn một thời gian dài trong năm nay.

•    HDBank có thể được phê duyệt cho phương án sáp nhập.

Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị đối với HDbank (Khả quan), là ngân hàng cổ phần đã niêm yết duy nhất còn room.

Nguồn: HSC Research Report

Để nhận được các khuyến nghị cổ phiếu chuyên sâu, xác định điểm mua/bán, giá mục tiêu và giá cutlost Quý nhà đầu tư vui lòng liên hệ với các chuyên gia của Đầu Tư Xu Hướng theo một trong các cách sau:

- KÊNH ĐĂNG KÝ MỞ TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN VÀ TƯ VẤN: TẠI ĐÂY
- Livechat ở bên góc phải màn hình.
- Hotline: 0985.839.385
- Skype: dautuxuhuong
- Email:  [email protected]
- Fanpage: www.fb.com/dautuxuhuong/

Quỳnh Anh-IFT

Bình luận

Thông báo!Phần này chỉ thành viên mới có quyền bình luận bài viết. Đăng nhập